Hiệu quả từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

26/12/2011 - 07:50
Nghiên cứu qui trình sản xuất giống tôm chân trắng ở xã Thừa Đức (Bình Đại). Ảnh: H.H

Trong năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã quản lý và tổ chức triển khai 92 chương trình, đề tài, dự án; trong đó, có một dự án hợp tác quốc tế, một dự án hợp tác trường viện, 7 dự án cấp Bộ, 78 cấp tỉnh và 5 đề tài dự án cấp cơ sở.

Hoạt động nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề tài, dự án trong năm 2011 có nhiều tiến bộ, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, thể hiện trên từng chương trình, lĩnh vực.

Chương trình “Phát triển và sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2015” (gồm 6 đề tài, dự án) nhằm làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, đầu tư, phát triển và quản lý công nhận những vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Chương trình “Sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt dân dụng và chiếu sáng công cộng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2015” (gồm 7 dự án), bước đầu đã kiểm toán năng lượng và đề xuất giải pháp khắc phục cho 10 cơ quan, doanh nghiệp, 30 cơ sở chế biến ngành dừa (cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, thạch dừa). Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiếp tục trồng thử nghiệm 6 giống mía mới có năng suất, chữ đường cao (K88-65, K88-92, K93-219, K95-84, K88-200, QĐ) trên vùng phèn, mặn (Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú); tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm Chợ Lách (với 21,40ha), đánh giá và chứng nhận GlobalGAP cho hệ thống quản lý chất lượng cho Công ty TNHH Chánh Thu và 37 nông dân vùng dự án (Chợ Lách), tổ chức triển khai xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm khôi phục và đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn dừa trên địa bàn huyện Bình Đại. Kết quả trồng lại, trồng mới 56ha, đạt tỷ lệ sinh trưởng và phát triển trên 95%. Xây dựng mô hình thâm canh 30ha dừa đạt năng suất bình quân tăng từ 8,8% - 12,7% và thu nhập tăng từ 4,9 triệu - 7,8 triệu đồng/năm. Bình tuyển được 250 cây dừa mẹ, xây dựng 5 vườn ươm cộng đồng, cung cấp 8.160 trái dừa giống cho nhà vườn (tương ứng với 30ha). Kết hợp trồng xen, nuôi xen mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa với tổng diện tích 4ha, năng suất đạt 384 – 545 kg/ha. Lợi nhuận thu được từ 10,2 triệu - 20,3 triệu đồng/ha. Tổ chức triển khai mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học tại huyện Ba Tri. Kết quả mô hình nuôi vịt thịt đạt tỷ lệ sống trên 93%, lãi trên 4 triệu đồng/mô hình/chu kỳ; mô hình nuôi vịt đẻ đạt tỷ lệ đẻ trứng 80-90%. Nghiên cứu thử nghiệm nuôi thuần dưỡng nghêu cám thành nghêu giống trong ao ở Ba Tri đạt tỷ lệ sống trên 44%. Xây dựng mô hình nuôi hàu công nghiệp từ con giống chất lượng cao tại các vùng cửa sông ven biển. Kết quả, nuôi trong đầm 160m2, 23.000 con giống, tỷ lệ sống đạt từ 60 - 65%; nuôi ngoài cửa sông 100m2, 23.000 con giống, tỷ lệ sống đạt 45 - 50 %. Đây là mô hình nuôi hàu tương đối thành công và hiệu quả tại Bến Tre.

Ngoài ra, Sở còn xây dựng mô hình ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và điều trị các bệnh thông thường bằng các phương pháp dưỡng sinh, bấm huyệt (đang được duy trì nhân rộng); nghiên cứu biện pháp hạn chế phát triển của vẹm sông sống bám trên ốc gạo (Chợ Lách) đảm bảo duy trì đa dạng sinh học vùng nuớc ngọt; nghiên cứu nguyên nhân gây chết nghêu, sò huyết tại 3 huyện ven biển và xử lý bùn thải ao nuôi tôm sú, nuôi cá tra tận dụng để sản xuất phân hữu cơ; triển khai các phần mềm ứng dụng GIS trong quản lý đô thị; quản lý môi trường và cảnh báo dịch bệnh trên con nghêu, sò huyết.

Công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển, huy động từ nhiều nguồn vốn, đã tổ chức triển khai được 20 đề tài, dự án. Một số kết quả nổi bật như: nhân rộng 3ha giống mía K88-200 và Sunphaburi tại Ba Tri phục vụ chương trình phát triển 6.000ha mía đường của tỉnh; nhân rộng 24,65ha mô hình canh tác sầu riêng Monthong và sầu riêng sữa hạt lép hạn chế hiện tượng sượng trái dưới 2%. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN trực tiếp triển khai dự án “Du nhập phát triển 500ha dừa dứa” thuộc chương trình phát triển trồng mới 5.000ha đã xây dựng mô hình trồng 50ha với trên 10.000 cây và Dự án  nhân rộng 200ha, kết quả thực hiện 262,09ha, đạt 132% so với kế hoạch; hỗ trợ 6 doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, cơ sở sản xuất, đạt 120% kế hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích