Hướng đến xây dựng địa phương khởi nghiệp, bài 2: Tạo tiền đề cho nhiều ý tưởng, dự án

11/09/2019 - 07:11

BDK - Kết quả cụ thể từ Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) là đã có nhiều dự án (DA) KN, doanh nghiệp (DN) KN ra đời và “lớn” lên, như DA Đất sạch Phú Hưng Thịnh của Phan Gia Thịnh, DA Người giữ rừng của Trịnh Thị Ngọc Hiện, DA nhang sinh học của cô giáo Ngô Song Đào, DA Sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm của Trần Phúc Hậu, DA Du lịch cộng đồng C2T của Võ Văn Phong, Hệ thống nuôi tôm thông minh của anh Đào Phước Xoàn, các DA KN từ dừa…

“Thịnh đất sạch” phát triển thêm mô hình trình diễn đất sạch sản xuất rau hữu cơ trong nhà kính. Ảnh: C. Trúc

“Thịnh đất sạch” phát triển thêm mô hình trình diễn đất sạch sản xuất rau hữu cơ trong nhà kính. Ảnh: C. Trúc

Những dự án điển hình

“Thịnh đất sạch” là biệt danh cộng đồng KN quen gọi khi nhắc đến DA KN với đất sạch Phú Hưng Thịnh làm từ mụn dừa của chàng trai 9X Phan Gia Thịnh, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Đây là một trong những DA KN điển hình của Chương trình số 10-CT/TU, được đánh giá là có những bước phát triển, thành công rõ rệt.

Đến thăm xưởng sản xuất đất sạch của Phan Gia Thịnh mới đây, quy mô sản xuất của công ty được mở rộng lên 4.000m2, gấp 8 lần so với quy mô hộ gia đình năm 2016. Sản lượng năm 2016 là 100 tấn/năm nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 500 tấn/năm. Từ 1 sản phẩm đất sạch đã phát triển lên 6 sản phẩm đất sạch khác. Doanh thu tăng hàng năm từ 250 triệu đồng (năm 2016) lên 1 tỷ đồng năm 2018, ước đạt 2,5 tỷ đồng năm 2019. Công ty góp phần giải quyết lao động từ 3 người tăng đến 10 người, diện tích.

Thịnh cho biết: “May mắn ngành nghề của công ty có gắn kết với người dân nghèo, các xã vùng DA AMD nên công ty được kết nối DA AMD, với kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Kết thúc giai đoạn này khá thành công, DA của Thịnh là DA đặc biệt được AMD duyệt kinh phí giai đoạn 2 trên 1 tỷ đồng. Đầu năm 2019, DA hoàn thành. Thịnh được chọn là nhân tố thay đổi, lọt vào 1 trong 3 DA được DA khen thưởng tiêu biểu, báo cáo DA tiêu biểu tại Thái Lan, để chia sẻ kinh nghiệm (6-2019)”. Bên cạnh đó, Thịnh cũng tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ đầu tư KN tỉnh.

 “Hậu bột bã mía” là biệt danh được quen gọi khi nhắc đến DA “Sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh” của anh Trần Phúc Hậu (sinh năm 1988, huyện Bình Đại). Những năm đầu KN, Hậu tham gia nhiều cuộc thi KN cấp tỉnh và của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN TP. Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức với quy mô toàn quốc. Kết quả DA luôn xếp trong Top các DA dẫn đầu. Năm 2018, Hậu tiếp tục được BSA chọn là DA tiêu biểu tham gia cuộc thi KN quốc gia. Kết quả công bố của Ban Chỉ đạo Chương trình KN Quốc gia vào đầu năm 2019, DA này đã vượt qua 300 DA KN trong cả nước và xuất sắc đoạt giải nhì tại vòng chung kết.

Thời gian qua, Hậu nỗ lực huy động nguồn vốn để phát triển công ty bằng cách tiếp cận nguồn vốn Quỹ đầu tư KN (250 triệu đồng), nguồn vốn vay khuyến khích DN KN (300 triệu đồng) và một số nguồn vốn từ nhà đầu tư bên ngoài.

Lan tỏa tinh thần KN

Ngay khi Chương trình số 10-CT/TU phát động, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai chuyên đề “Tìm hiểu về kinh doanh” trong trường học, hệ THPT trong toàn tỉnh. Thời lượng thực hiện 6 tiết học/năm học. Các trường có quán triệt, triển khai giáo dục KN đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh. Các nội dung “Tìm hiểu về kinh doanh” được giáo viên triển khai lồng ghép trong giảng dạy ở lớp học và qua trải nghiệm thực tế, góp phần giúp học sinh vừa học tốt, chuyên sâu hơn về môn học, vừa định hướng được cho các em về kinh doanh và nghề nghiệp tương lai.

Một số trường đã xây dựng mô hình “Trải nghiệm KN tại trường học” được thực hiện giảng dạy lồng ghép trong các môn nghề, nhất là môn công nghệ, sinh học. Các Trường THPT Che Guevara (huyện Mỏ Cày Nam), Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thạnh Phú), Trường THPT Phan Thanh Giản (huyện Ba Tri), Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Bình Đại)... là những điểm sáng của hệ THPT đã quan tâm triển khai chuyên đề “Tìm hiểu về kinh doanh” và xây dựng mô hình “Trải nghiệm KN tại trường học” thời gian qua.

Kết quả từ hoạt động KN của tỉnh đã sinh ra nhiều ý tưởng, dự án KN lĩnh vực du lịch, khai thác tài nguyên bản địa, sản xuất, chế biến hàng nông sản. Tinh thần KN các lĩnh vực đó cũng được thầy cô giáo đưa vào trường học, cũng như người dân các vùng nông thôn.

Thạnh Phú qua sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 10-CT/TU, huyện ghi nhận nhiều thành tích bước đầu rõ nét. Nội dung Chương trình đi vào đời sống kinh tế - xã hội của huyện, tạo chuyển biến về phát triển về kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội cho DN, nhà đầu tư về làm ăn. Điển hình như sự kiện khánh thành Khu dân cư Thương mại Thạnh Phú, hàng loạt DA đầu tư tại khu du lịch Cồn Bửng, các DA điện gió đang khởi công… Số lượng DN, hộ kinh doanh đều tăng, đạt gấp 2 lần so với chỉ tiêu đề ra.

Kết quả trên chỉ là bước đầu nhưng đã tạo tiền đề quan trọng để phát triển DN mới, DA KN đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển cho tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Qua rà soát hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2018, có 8.408 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2018 giảm xuống còn 6,08%. Số lượng DN thành lập mới trong 3 năm qua đạt cao hơn so kỳ vọng, với 1.700 DN. Con số về ý tưởng KN của học sinh trường học được ghi nhận qua cuộc thi Sáng tạo hoa học kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng cũng tăng ấn tượng, với hàng ngàn ý tưởng trong năm 2019.

Ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “So với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên và quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khá thấp, nhưng so về tốc độ phát triển doanh nghiệp thì tỉnh đạt khá cao. Cụ thể, năm 2018, tỉnh thành lập mới 549 doanh nghiệp, cao hơn các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp…”.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích