Khẩn trương ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất

12/02/2020 - 08:00

BDK - Hiện độ mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh sâu, cao hơn và khả năng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp so với cùng thời điểm năm 2015 - 2016. Kết hợp các yếu tố nước thượng nguồn, các thủy điện trên sông Mekong… nước về khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh sẽ ngày càng ít đi. Trước diễn biến phức tạp đó, tỉnh đã tăng cường đắp đập tạm, tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong thời gian tới.

Chăm sóc tưới cây xanh hồ Kênh Lấp (Ba Tri). Ảnh: Cẩm Trúc

Chăm sóc tưới cây xanh hồ Kênh Lấp (Ba Tri). Ảnh: Cẩm Trúc

Các công trình cống đập

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự báo, tình hình mặn xâm nhập sẽ sâu hơn năm 2016 và xấp xỉ đợt ngày 8 đến 10-1-2020.

Cụ thể, nước cấp ra mạng lưới các nhà máy nước thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre ngày 11-2-2020 ở mức 2,2 - 5,4%o. Trong đó, TP. Bến Tre độ mặn 2,75%o tại các xã Sơn Đông, Mỹ Thành, Bình Phú, các xã phường còn lại 2,8%o. Khu vực Khu công nghiệp An Hiệp, xã Sơn Hòa (Châu Thành) 2,75%o. Khu công nghiệp và khu dân cư Giao Long, các xã Tân Thạch, Tam Phước, Hữu Định và thị trấn Châu Thành 2,2%o. Khu vực các xã Sơn Phú, Phước Long, Mỹ Thạnh, Phong Nẫm (Giồng Trôm) 2,8%o. Các xã dọc theo đường tỉnh 885 từ xã Lương Hòa, Lương Quới đến Tân Thanh, Hưng Nhượng 5,4%o. Các xã Sơn Định, Hòa Nghĩa và thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) 3,9%o.

Để phòng chống hạn mặn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã bàn giao 21 cống ngăn mặn trên địa bàn các xã: Quới Sơn, Giao Hòa, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tiên Thủy, Tiên Long, An Hiệp, Thành Triệu (Châu Thành) cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hạn chế mặn; thi công công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đã đắp đập phía sau Trường Cao đẳng Bến Tre, đập Sông Mã (Sơn Đông) và nạo vét kênh Sông Mã để hạn chế nước mặn vào sâu. Hiện độ mặn bên ngoài đập Sông Mã từ 4 - 5%o, bên trong phần đập nước mặn trên 2%o. Ngoài ra, đơn vị mới tiếp nhận quản lý hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri hơn 1 tháng nay. Quy trình vận hành là lấy nước ngọt vào để trữ sử dụng trong mùa mặn. Từ khi độ mặn lên 0,5%o đến nay, hồ chứa không lấy nước vào nữa.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Hồ Ngọc Hậu cho biết, khác các hồ ở trên vùng cao nguyên, hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri nằm ở vùng đồng bằng nên khi xổ hồ thì cao trình đáy sông vẫn cao hơn cao trình đáy hồ. Do đó, luôn có mực nước chết ở bên trong hồ khoảng 0,7 - 1m. Mặt khác, năm nay là năm đầu tiên hồ được đưa vào sử dụng nên độ mặn trong đất vẫn còn tiềm tàng làm cho nước trong hồ mặn 1,5%o, có giảm so với độ mặn bên ngoài hồ, ở trung đỉnh 3 - 4%o.

Công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai được xem là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên, kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào). Từ đó, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (Châu Thành) với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước để phục vụ dân sinh.

Dự kiến, trong con nước 20 đến 22 -1 âm lịch tới, đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai sẽ hợp long. Hiện công trình đang làm lại vì có một số thay đổi vật tư (chiều dài từ 12 - 16m/cây thành 18m/cây để ngậm dưới đất sâu).

Công trình đập ngăn mặn Ba Lai dự kiến hợp long vào ngày 13 đến 15-2-2020. Ảnh: Phan Hân

Công trình đập ngăn mặn Ba Lai dự kiến hợp long vào ngày 13 đến 15-2-2020. Ảnh: Phan Hân

Đảm bảo nguồn nước

Mới đây, sau khi khảo sát tình hình thực tế và đề xuất của các thành viên trong đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã thống nhất giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre làm chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nạo vét tuyến kênh “Thầy Năm Dộm” đoạn từ cầu Sắt 2 đến cầu Tam Dương thuộc xã Tường Đa, Tam Phước (Châu Thành) để đảm bảo nguồn nước ngọt từ sông Ba Lai về phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực, cung cấp nước đạt chất lượng cho Nhà máy nước Sơn Đông xử lý cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp (trong hệ thống cấp nước của công ty) và cấp bổ sung cho các địa phương khi có yêu cầu.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao cho công ty khẩn trương tiến hành lắp đặt và mở cửa xả thoát nước khu vực nước ngọt tại “Kênh Xáng” để đảm bảo chất lượng nguồn nước; hoàn thiện thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định để sớm mua 2 thuyền bơm phục vụ tốt công tác phòng chống hạn mặn. UBND TP. Bến Tre làm chủ đầu tư thực hiện nạo vét tuyến rạch Chùa (đoạn từ Kênh Xáng đến cầu Chùa xã Sơn Đông và xã Bình Phú) nhằm đảm bảo tốt công tác tưới tiêu thoát nước.

Đối với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo nguồn nước đạt chất lượng cung cấp cho Nhà máy nước Sơn Đông; phối hợp với các địa phương lắp máy bơm tại đập tạm trên Kênh Xáng, bơm thoát nước trong đập để tăng lượng ngọt từ An Hiệp về và giảm độ mặn trong hệ thống cấp nước hiện nay.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN