Ðầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục

02/09/2019 - 08:18

BDK - Bằng nhiều nguồn vốn, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung sửa chữa, cải tạo, xây mới trường, mua sắm trang thiết bị… để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ cho năm học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt.

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt.

Từ cơ sở vật chất…

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có gần 350 trường ở 4 bậc học, với hơn 200 ngàn học sinh. Để chuẩn bị điều kiện về CSVC phục vụ tốt nhất cho năm học mới, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp CSVC cho các trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu cho biết, ngành đã duy tu, sửa chữa CSVC cho 14 trường THPT; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập của các đơn vị trực thuộc sở; trang bị 11 bộ thiết bị hệ thống phòng cháy chữa cháy của 11 trường THPT dự toán kinh phí trên 17 tỷ đồng. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường trực thuộc chủ động rà soát, phân loại hệ thống CSVC để đề nghị sửa chữa, nâng cấp các phòng học, phòng nội trú, nhà bếp, nhà ăn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, cải tạo để kịp bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học này.

Đến nay, các huyện, thành phố đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp và mua sắm trang thiết bị để đưa vào hoạt động 755 phòng học, phòng chức năng với tổng kinh phí trên 78,5 tỷ đồng. TP. Bến Tre đã hoàn thành, nghiệm thu công trình xây mới Trường THCS Thành phố Bến Tre giai đoạn 1 và giai đoạn 2; cải tạo xây dựng các hạng mục Trường Tiểu học Phường 7 để tái công nhận chuẩn quốc gia năm 2019.

Hiệu trưởng Trường THCS Thành phố Bến Tre Nguyễn Anh Dũng cho biết: Trường vừa nhận bàn giao 2 giai đoạn của Đề án xây dựng Trường THCS Thành phố Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020, với tổng kinh phí đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Công trình đang tiến hành giai đoạn 3, xây dựng khu hành chính. “Dự kiến, tháng 10-2019, sẽ đưa vào sử dụng 44 phòng học lý thuyết, 15 phòng thực hành, 6 khu vệ sinh cùng trang thiết bị hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của trường. Đặc biệt, phục vụ tốt việc thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm cho 6 lớp khối lớp 6”, ông Dũng cho hay.

Trưởng phòng GD&ĐT TP. Bến Tre Võ Văn Luyến cho biết, một số hạng mục công trình từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2019 đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng; 22 hạng mục do các đơn vị trường học làm chủ đầu tư cũng đã được đưa vào sử dụng, các hạng mục công trình đang thi công sẽ hoàn thành kịp thời đảm bảo 5-9-2019 đưa vào phục vụ năm học. “Năm nay, GD&ĐT thành phố hết sức quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo 100% trường có thiết bị phòng cháy chữa cháy; có nhà vệ sinh để sử dụng, bảo đảm sức khỏe của giáo viên và học sinh”, ông Võ Văn Luyến cho hay. 

Nằm trong kế hoạch phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2016 - 2020, dự án Trường THPT Thạnh Phước (Bình Đại), đã được khởi công xây dựng vào tháng 9-2016. Trường hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm học này. Ngôi trường đã được xây dựng khang trang, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; các phòng học đã được trang bị bàn ghế, hệ thống chiếu sáng, quạt mát theo chuẩn, sân trường đã được đổ bê-tông sạch sẽ. Có thể nói, việc xây mới, cải tạo trường, lớp trên địa bàn sẽ góp phần tạo thêm điều kiện cho các em học sinh được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt hơn.

Đến chất lượng giáo dục

Trưởng phòng GD&ĐT TP. Bến Tre Võ Văn Luyến cho rằng, đầu tư CSVC là một trong ba yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu tư CSVC giúp cho giáo viên có điều kiện thực hiện các hoạt động thực hành; thiết bị và các dụng cụ đồ dùng dạy học đầy đủ giúp giáo viên tránh được trường hợp dạy chay, hoặc phương pháp truyền thụ lý thuyết một chiều. Về phía học sinh được trải nghiệm, có khả năng thực hành tốt, đảm bảo chất lượng toàn diện về lý thuyết và thực hành, góp phần tích cực trong việc phát triển các kỹ năng, kể cả kiến thức, phẩm chất và năng lực của học sinh.

Thực tế, thời gian qua, nhiều trường học đã đầu tư CSVC nhằm tạo điều kiện cho thầy cô giáo tiếp cận và bắt đầu sử dụng những thiết bị cao cấp để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại. Những năm gần đây, Trường THPT Che Guevara (Mỏ Cày Nam) quan tâm đầu tư phòng thí nghiệm, lắp đặt hệ thống máy chiếu... phục vụ hoạt động dạy và học. Nhờ đó, kết quả học tập của trường có bước tiến đáng ghi nhận trong các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, nhất là cuộc thi nghiên cứu khoa học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu cho biết, trong năm học 2019-2020, bên cạnh công tác đầu tư xây dựng CSVC trường học, đổi mới cảnh quan sư phạm, ngành GD&ĐT cũng tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng các cấp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực chất… Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, qua đó duy trì ổn định kết quả giáo dục mũi nhọn qua các cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia…

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, điều kiện cần và đủ là ngành GD&ĐT phải quan tâm vừa ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, kết hợp với đầu tư hệ thống CSVC trường lớp theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới”.

Triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học - giáo dục thường xuyên

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học - giáo dục thường xuyên (GDTH-GDTX) năm học 2019-2020.

Trưởng phòng GDTH-GDTX, Sở GD&ĐT Cao Minh Sơn cho biết, trong năm học 2019-2020, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX tập trung phát triển trường lớp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, dạy học; xây dựng trường chuẩn quốc gia… Đối với các trường có đủ điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng quy mô dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo mỗi ngày dạy học không quá 8 tiết, mỗi tuần không quá 6 ngày. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Trong đó, tập trung tinh giản nội dung dạy học phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học; chú trọng môi trường học và sử dụng tiếng Anh; chú trọng dạy tích hợp, lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Ngoài ra, các đơn vị trường tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, triển khai công tác giáo dục khởi nghiệp trong trường học; tích cực tham gia công tác biên soạn nội dung giáo dục địa phương theo sự phân công của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; đổi mới công tác quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường.

Bài, ảnh: Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN