Chăm lo, giáo dục toàn diện trẻ em, bài 2:

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội

24/06/2020 - 06:51

BDK - Xã hội ngày càng phát triển, đi liền là những thách thức khi những giá trị truyền thống của gia đình và xã hội đang giằng co với những yếu tố hiện đại, đặt ra cho gia đình và xã hội nhiều vấn đề cần quan tâm chăm lo và bảo vệ trẻ em.

Lắng nghe trẻ em nói để chăm lo cho các em một cách toàn diện. Ảnh: Thanh Đồng

Lắng nghe trẻ em nói để chăm lo cho các em một cách toàn diện. Ảnh: Thanh Đồng

Thách thức cho gia đình

Phần lớn phụ huynh ngày nay có nhiều áp lực trong cuộc sống và bị chi phối bởi vấn đề kinh tế gia đình nên thời gian bên con hạn chế. Một số phụ huynh chia sẻ, luôn muốn toàn tâm, toàn ý chơi cùng con, học cùng con nhưng lại bị mất tập trung, xao nhãng, thậm chí gắt gỏng với con vì chính những áp lực của công việc. Điều này vô tình đã làm tổn thương tâm hồn trẻ nhỏ, trong khi gia đình luôn được xem là nơi yêu thương và sẻ chia mọi lúc để trẻ nương tựa vào.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin là thách thức lớn đối với bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái. Chị Thúy Loan, công chức nhà nước chia sẻ: Biết là không nên để con tiếp cận với internet, công nghệ quá sớm nhưng chính bản thân mình cũng có những lúc dù đã tách mình ra khỏi công nghệ, trở về gia đình không điện thoại, không ti vi, nhưng đôi lúc có những tình huống phải xử lý công việc đột xuất, để không bị con quấy mình nhất thời không tìm được vật thay thế chiếc điện thoại”.

Không chỉ ở nhà, ngay cả ở các quán ăn, các điểm công cộng, chúng ta cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh phụ huynh đưa điện thoại cho những đứa trẻ chỉ 3 - 4 tuổi xem video hoạt hình để trẻ ngồi yên và chịu ăn uống. Chiếc điện thoại thông minh có thể mở phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi bất kể nơi đâu gần như là món đồ hấp dẫn tuyệt đối với nhiều đứa trẻ, cũng là “cứu cánh” duy nhất với nhiều phụ huynh khi muốn con mình không quấy phá. Điều này vô tình đã gây ra những tác động tiêu cực đối với trẻ. Xem màn hình điện thoại, máy tính quá lâu ảnh hưởng đến thị lực, cả tính cách và cách ứng xử của trẻ cũng chịu tác động bởi những lối ứng xử mà trẻ xem được từ internet, mạng xã hội.

Chia sẻ tại Ngày hội đến trường tại Trường Mầm non Bảo Quyên (Phường 8, TP. Bến Tre), Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho hay, hiện nay, không ít trẻ được chu cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, vật chất nhưng về phương diện tình cảm, có lẽ nó đã không được thỏa mãn. Đôi khi người lớn vô tình mà ngộ nhận rằng chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, lo toan đầy đủ tiện nghi cho trẻ tức là đã yêu thương chúng hết mực. Tuy nhiên, những điều đó mới chỉ đáp ứng được phần nhu cầu vật chất của trẻ. Trẻ có thể tìm thấy nguồn dinh dưỡng ở rất nhiều nơi, bằng rất nhiều cách, nhưng một tình yêu trọn vẹn thì chúng chỉ có thể tìm thấy từ cha mẹ của mình mà thôi.

Ở góc độ khác, bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo - Phòng khám Bản Việt TP. Hồ Chí Minh cho hay, với phụ huynh việc ép con ăn tưởng có lợi, vô hại nhưng thật sự nó tác động rất lớn về tâm lý và sức khỏe của trẻ. Cụ thể, trẻ sẽ bị “sang chấn tâm lý”. Vì lúc nào cũng có khoảng thời gian không vui vẻ và mệt mỏi vì phải “chống” lại việc cho ăn dưới nhiều hình thức: la, khóc, chống đẩy muỗng/ chén đựng đồ ăn, chạy trốn, hoặc phải chịu tâm lý “nhân nhượng bị động” khi buông xuôi, chấp nhận bị đút ăn. Khi việc cho ăn không mong muốn kéo dài, trẻ sẽ ghi nhớ thời điểm cho ăn là thời điểm đáng ghét, không vui vẻ và sẽ trở nên chán ghét thức ăn.

Đối với trẻ vị thành niên, môi trường gia đình, nhất là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, anh chị cũng có những tác động quan trọng. Vì đây là độ tuổi mà các em bắt đầu hình thành nhân cách, cá tính, tâm sinh lý rất nhạy cảm. Ông bà, cha mẹ, anh chị là tấm gương soi trực tiếp mà các em nhìn vào hàng ngày.

Thách thức của xã hội

Tại cuộc tiếp xúc giữa HĐND tỉnh với Hội đồng Trẻ em tỉnh vừa qua, các em thiếu nhi đã bày tỏ tâm tư của mình. Em Lê Đỗ Như Ý, học sinh Trường Tiểu học Bến Tre (TP. Bến Tre), thành viên Hội đồng Trẻ em tỉnh bày tỏ: “Ngoài những vụ việc xâm hại trẻ em ngoài đời thật, thì những vụ việc xâm hại trẻ em trên mạng nhầm đánh mất tâm hồn trong sáng và làm tổn hại đến tâm lý của các em bằng những câu từ và hình ảnh bạo lực cũng không ít. Ở trường, mặc dù chúng em đã được quan tâm và dạy cách để bảo vệ bản thân. Nhưng hiện nay, việc bạo hành và xâm hại trẻ em vẫn diễn ra rất nhiều. Chúng em nghĩ nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ và cần dạy học sinh cách để phòng vệ và cách xử lý nếu bất ngờ xảy ra vụ việc”.

Em Đoàn Hà Phương Anh, Trường THCS Thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) nêu ý kiến: “Gần đây, có nhiều vụ xâm hại tình dục diễn ra trong trường học mà thủ phạm lại chính là giáo viên của các em. Có những câu hỏi mà chúng em vẫn đang suy nghĩ và phân vân về nó, đó là phải chăng công tác giáo dục đạo đức trong đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm đúng mức nên không làm triệt tiêu ý nghĩ xấu, không kịp thời ngăn chặn những ý nghĩ mới manh nha, dẫn đến nhiều giáo viên (nhất là giáo viên nam) đã có hành vi xấu, đáng lên án? Phải chăng nhiều phụ huynh vẫn tin tưởng gần như tuyệt đối vào người thầy của con cái nên mất đi cảnh giác? Phải chăng sự quản lý, giám sát của nhà trường đối với hành vi, thái độ của giáo viên trong trường bị buông lỏng, đến độ có những việc tày trời diễn ra ngay trong phạm vi nhà trường mà đến khi đã trở nên nghiêm trọng và vỡ lở thì lãnh đạo nhà trường mới biết?”.

Chăm lo, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay không đơn giản. Nếu có được sự quan tâm đúng mức phải có sự phối hợp chặt chẽ từ ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là từ gia đình thì tất yếu các trẻ sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh, hình thành, phát triển nhân cách tốt.

Ph. Hân - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích