Đầu tư cho trường mầm non ở khu công nghiệp

25/09/2019 - 06:51

BDK - Năm học mới đã khai giảng gần 1 tháng, hoạt động của các trường mầm non trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Tại Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp (huyện Châu Thành), các trường mầm non cũng đã sớm ổn định; đồng thời được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Cô và bé trong giờ học

Cô và bé trong giờ học

Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ

Vừa hơn 7h sáng, không khí tại Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) đã hối hả, phụ huynh nhanh chóng gửi con đến lớp cho các cô để chuẩn bị vào ca lúc 7h30. Đây là trường mầm non công lập đặc thù của huyện dành riêng cho con em công nhân đang lao động tại Khu công nghiệp Giao Long. Năm học mới, trường đón 236 trẻ/9 lớp (từ 3 - 5 tuổi).

Tọa lạc tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, gần kề Khu công nghiệp Giao Long, trường được khởi công xây dựng năm 2015, chính thức đi vào hoạt động năm học 2017-2018, đến nay đã bước vào năm học thứ 3 (2019-2020). Mỗi năm, số lượng trẻ lại tăng thêm do đặc thù tăng dân số cơ học trên địa bàn có khu công nghiệp. Chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở hạ tầng của trường cũng được đầu tư, nâng chất. Năm học 2018-2019, trường có 5 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng được nhận bằng khen dành cho tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh.

Đội ngũ giáo viên trẻ của nhà trường luôn tâm huyết và phối hợp với lãnh đạo nhà trường để chăm lo cho trẻ, thực hiện nhiệm vụ được phân công, xây dựng trường lớp. Cô Nguyễn Vương Thủy Tiên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long cho biết, đội ngũ giáo viên của trường luôn được khuyến khích tạo đồ dùng học tập, đồ chơi từ các nguyên vật liệu mở, sáng tạo trò chơi ngoài trời, ứng dụng tin học trong giảng dạy để giờ học của trẻ luôn sinh động. Đầu năm học mới, các cô giáo trẻ ở đây đã trang trí lớp học với nhiều mẫu hình vui tươi, đón các em tới trường. Năm học mới này, trường được đầu tư thêm hơn 2 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.

Cùng với Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long, trên địa bàn còn có Trường Mẫu giáo Quới Sơn, Mẫu giáo Phú An Hòa, Trường Mầm non Hoa Anh Đào (trường tư thục) và 6 nhóm trẻ ngoài công lập. Tại Khu công nghiệp An Hiệp có Trường Mẫu giáo An Hiệp, Trường Mẫu giáo Bảo Quyên (trường tư thục), 3 nhóm trẻ hoạt động. Theo nhận xét của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, quy mô các trường đã cơ bản giải quyết khá tốt nhu cầu gửi trẻ tại khu vực.

Quan tâm chất lượng chăm sóc trẻ        

Theo cô Nguyễn Vương Thủy Tiên, cùng với các hoạt động bám sát chương trình giáo dục chung, trường có nhiều hoạt động để tăng cường sự gắn kết với phụ huynh trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Đơn cử như trong quản lý việc đưa đón trẻ, vì các bé đều là con của công nhân nên việc đưa đón thường không cố định một người, nhà trường đã áp dụng hình thức thẻ đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn. Khi đưa trẻ đến lớp, nhà trường thường khuyến cáo phụ huynh đưa con vào tận lớp. Ngoài ra, trường tạo Fanpage trên mạng xã hội Facebook để tăng kết nối với phụ huynh, đăng tải hình ảnh các hoạt động của trường. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh. “Nhiều phụ huynh là công nhân, giờ giấc làm việc theo ca nhưng cũng rất quan tâm, luôn ủng hộ, đồng hành cùng nhà trường trong nhiều phong trào, hoạt động. Nhiều phụ huynh có con đã lên tiểu học nhưng vẫn giữ liên hệ với các cô, chia sẻ kết quả học tập của các bé trong môi trường mới”, cô Thủy Tiên nói. 

Giáo viên Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long hướng dẫn trẻ trên lớp.

Giáo viên Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long hướng dẫn trẻ trên lớp.

Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long là một trong 9 trường của huyện thí điểm học tiếng Anh cho trẻ mầm non. Trong năm học mới, trường có 110/236 trẻ đăng ký học tiếng Anh, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 30 phút với giáo viên nước ngoài. Trường cũng có mở lớp Aerobic cho trẻ em, tạo thêm hoạt động thể chất vui tươi cho trẻ tham gia, giúp trẻ thêm tự tin, mạnh dạn. Đội Aerobic của trường từng đoạt giải nhất Liên hoan Aerobic cấp huyện.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị bữa ăn cho trẻ cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Theo cô Thủy Tiên thông tin, nhà trường ký hợp đồng với doanh nghiệp để cung cấp thực phẩm vệ sinh an toàn, chất lượng và đảm bảo nguồn gốc. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các giáo viên, nhân viên trực tiếp đảm nhiệm suất ăn cho các trẻ bán trú thì được kiểm tra sức khỏe đầu năm để đảm bảo an toàn chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Phát huy kết quả đạt được, trường tiếp tục phấn đấu trong dạy và học, công việc cũng có những áp lực nhất định nhưng mỗi cô giáo tự nhắn nhủ với nhau “xem mỗi bé như là con của mình, chăm sóc trẻ bằng cái tâm của mình”.

Theo đánh giá của ngành giáo dục địa phương, nhu cầu gửi trẻ tại các khu công nghiệp trong thời gian tới có xu hướng tăng. Trước tình hình đó, huyện tiếp tục duy trì quy mô trường lớp cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các trường, tạo niềm tin trong cộng đồng và có định hướng mở rộng trong thời gian tới, trong đó mời gọi đầu tư, xã hội hóa giáo dục mầm non tại địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN