Dạy bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

06/04/2018 - 07:43

BDK - Đó là hồ bơi Thỏ Ngọc nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện Châu Thành do anh Nguyễn Văn Hùng làm chủ. Cứ mỗi buổi chiều đến, nơi đây lại tấp nập các em học sinh đến học bơi dưới sự hướng dẫn của các giáo viên phụ trách.

Các em học sinh đang được hướng dẫn bơi tại hồ bơi Thỏ Ngọc.

Các em học sinh đang được hướng dẫn bơi tại hồ bơi Thỏ Ngọc.

Tạo cơ hội cho các em học bơi

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng hồ bơi này, anh Hùng cho biết, gia đình anh sinh sống ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng có mở hoạt động kinh doanh khu vui chơi trẻ em ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện Châu Thành và gắn bó với nơi đây hơn 15 năm qua. Năm 2015, UBND tỉnh triển khai Đề án phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020, vợ chồng anh đã được lãnh đạo ngành VHTT huyện gợi ý, động viên đầu tư xây dựng bể bơi với hình thức xã hội hóa. Sau khi đến tham quan mô hình bể bơi tại tỉnh Tiền Giang, vợ chồng anh đã bàn bạc và quyết định đầu tư xây dựng một bể bơi đơn giản.

Ban đầu, bể bơi chỉ có chiều dài hơn 10m, rộng 5m (có khung sắt bao quanh và 10 phòng tắm), trong đó, địa phương hỗ trợ điểm đặt bể bơi. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bản thân anh Hùng đã qua lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên bơi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận và học thêm lớp đào tạo nghiệp vụ trực hồ, cứu hộ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang mở.

Để đáp ứng theo yêu cầu hoạt động, anh chị quyết định tiếp tục đầu tư xây dựng một bể bơi lớn hơn, quy mô hơn có chiều dài 30m, rộng 12m, có mái che và khung sắt bao quanh, hệ thống xử lý nước, hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, hệ thống đài phun nước, nội quy, quy chế hồ bơi… Bể bơi này được đưa vào hoạt động từ tháng 9-2016. Hoạt động và lệ phí được thông tin rõ ràng đến phụ huynh và các em. “Với mong muốn tất cả các em đều được học bơi, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, anh chị hoàn toàn miễn phí cho các em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (anh chị đã phối hợp với các trường của khối tiểu học và THCS rà soát số lượng này). Đối với các trường hợp học thông thường, nếu thi lần 1 không đạt thì anh chị giảm hoặc miễn luôn lệ phí học, lệ phí thi lần sau để các em tiếp tục học đến khi biết bơi”- anh Hùng bộc bạch. 

Anh chị phối hợp với giáo viên của các trường (đã có nghiệp vụ hướng dẫn bơi) để hướng dẫn dạy cho các em. Ngoài ra, anh Hùng còn tham gia đứng lớp. Cơ sở của anh được Ban quản lý đề án huyện, trực tiếp là lãnh đạo Phòng VHTT, Trung tâm VHTT, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện phối hợp tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho các em. Tính đến nay, anh chị đã miễn phí thu lệ phí học, lệ phí thi cho hơn 100 em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng.

Không chỉ giảm, miễn lệ phí trong phổ cập bơi, thời gian qua, anh chị còn trao tặng hơn 3 ngàn quyển tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện.

Vì lợi ích của học sinh

Em Nguyễn Gia Huy - học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học An Khánh là trường hợp thuộc diện hộ nghèo được chủ hồ bơi Thỏ Ngọc nhận dạy miễn phí hoàn toàn khoảng hơn một tuần. Huy cho biết, vào các buổi chiều, em được mẹ chở đến đây để học bơi (3 buổi/tuần). Được thầy giáo hướng dẫn tận tình, nay em đã bắt đầu quen dần với các động tác bơi. “Được học bơi như vậy em rất thích và sẽ cố gắng tập theo sự hướng dẫn của thầy để nhanh biết bơi. Do gia đình em thuộc diện hộ nghèo nên ở đây không có lấy tiền. Em rất vui và rất cảm ơn cô chú chủ hồ bơi” - Huy nói.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động hồ bơi, cũng như góp phần trong công tác phổ cập bơi, anh Hùng cho rằng: Để hồ bơi hoạt động tốt, chủ hồ bơi phải chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quản lý ở các nơi; bể bơi cần có diện tích và quy mô tương đối lớn để thu hút các em vào tham gia luyện tập, vui chơi. Để công tác phổ cập bơi đạt kết quả tốt cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các ngành trong Ban quản lý đề án, trực tiếp là ngành VHTT huyện, giáo dục và đào tạo và chủ hồ bơi; sự phối hợp thực hiện của ban giám hiệu nhà trường. Để kết quả kiểm tra cuối khóa ngày càng cao, sau 8 buổi học, chúng tôi tách số em còn yếu ra để tổ chức phụ đạo thêm cho các em. Số buổi phụ đạo này, chúng tôi hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi muốn các em học phải đạt được chất lượng yêu cầu nên sẽ hỗ trợ hết mình cho các em.

Với những đóng góp tích cực trong công tác thực hiện Đề án phổ cập bơi, 2 năm liền (năm 2016 và 2017), anh Nguyễn Văn Hùng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng giấy khen và một số giấy khen khác của huyện.

     Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN