Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

14/09/2020 - 06:57

BDK - Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tỉnh triển khai chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” dành cho cấp tiểu học, mở rộng đến cả khối lớp 1 và 2. Truyền đạt kiến thức an toàn giao thông (ATGT) là việc làm đặc thù, nhất là truyền đạt cho học sinh tiểu học, cần phương pháp riêng sao cho thu hút, dễ tiếp nhận. Trên tinh thần đó, thầy giáo trẻ Võ Đàm Tuấn Duy, Trường Tiểu học Phú Long, xã Phú Long, huyện Bình Đại đã có ý tưởng đổi mới sáng tạo, xây dựng tiết học vui tươi, sinh động.

Thầy Võ Đàm Tuấn Duy trong giờ lên lớp.

Thầy Võ Đàm Tuấn Duy trong giờ lên lớp.

20 phút học với mô hình

Tiết học về “Qua đường an toàn tại nơi đường giao nhau” của thầy Tuấn Duy chỉ gói gọn trong thời lượng 20 phút nhưng lại đầy ắp thông tin và tiếng cười. Không bó hẹp trong không gian phòng học, cả lớp được chuyển ra sân trường với máy chiếu, truyền hình thay cho bảng đen, phấn trắng và các hoạt động sôi nổi thay cho kiểu truyền thụ khô khan.

Cả lớp bắt đầu tiết học bằng các bài hát vui tươi cổ động tham gia giao thông an toàn. Rồi đến ôn tập kiến thức cũ bằng hình thức hỏi đáp trắc nghiệm. Sau đó, chuyển sang bài học mới bằng các câu hỏi mang tính định hướng trước khi cung cấp kiến thức trọng tâm cho các em. Các thông tin về bài học được trình chiếu theo phong cách hoạt hình, dễ thương càng thu hút các em nhỏ chú ý hơn. 

Trước khi bắt đầu tiết học, thầy Duy và các thầy cô tại trường đã chuẩn bị chu đáo các dụng cụ, hình ảnh, chọn những nội dung chính, quan trọng để truyền đạt. Đặc biệt, với tiết học ngoài trời này, các thầy cô còn thiết kế mô hình một ngã tư đường cho học sinh thực hành ngay bài học. Các em được phân vai thành người đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện để tham gia giao thông như thực tế.

Theo thầy Tuấn Duy, để các giờ học về ATGT thật sự bổ ích, vui tươi, các em ghi nhớ nhiều hơn, thầy đã thiết kế hẳn mô hình ngã tư đường ngay trong sân trường giúp cho học sinh cọ xát với thực tế. Từ đó, hình thành ý thức cho các em.

Thầy Tuấn Duy cho biết, dựa vào khả năng nhận thức của từng lứa tuổi học sinh mà có phương pháp khác nhau: Từ lớp 1 - 3 thì thiên về truyền đạt thông qua các hình ảnh, hoạt động trải nghiệm; lớp 4 và lớp 5 thì truyền đạt nhiều kiến thức lý thuyết hơn để các em hiểu nhiều hơn.

Đổi mới phương pháp truyền đạt

Phổ biến kiến thức ATGT cho người dân, nhất là đối với học sinh cần chú ý nhiều đến phương pháp trực quan, sinh động. Theo Thiếu tá Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, đối với việc tuyên truyền cho học sinh, báo cáo viên cần dùng những ngôn từ dễ hiểu, dùng hình ảnh, thơ ca diễn tả sẽ dễ nhớ, dễ nhận thức hơn là dùng câu chữ của chuyên ngành luật khô cứng. Thời gian qua, trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT, ngành chức năng đã triển khai nhiều cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức, tùy đối tượng. Trong đó, có cho thực hành trực tiếp, lái xe mô phỏng để xử lý tình huống. Đối với học sinh, còn tuyên truyền thông qua các cuộc thi, diễn tiểu phẩm, vẽ tranh...

Hội thi giao lưu tìm hiểu về “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong năm học 2019-2020 đã thu hút gần 7 ngàn bài dự thi của giáo viên và học sinh Bến Tre. Khối học sinh, có 8 giải khuyến khích và 1 giải ba. Khối giáo viên, có 5 giải khuyến khích, tiếp tục vào vòng 2.

Trong số 41 giáo viên tiểu học toàn quốc được chọn vào vòng 2 để thiết kế một tiết dạy mẫu về ATGT, bài thi “Qua đường an toàn tại nơi đường giao nhau” dành cho học sinh lớp 3 của thầy giáo Võ Đàm Tuấn Duy đã xuất sắc đạt giải nhì toàn quốc.

Trong phần thi viết, chia sẻ các giải pháp nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm (MBH) trong học sinh tiểu học, thầy Võ Đàm Tuấn Duy đã nêu một số giải pháp như: tuyên truyền phổ biến quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đến với toàn thể phụ huynh học sinh; tạo hứng thú, khơi dậy sự thích thú của học sinh tiểu học với chiếc MBH; phối hợp Tổng phụ trách Đội hướng dẫn học sinh thực hành đội MBH đúng cách; tổ chức giao lưu ngoại khóa để tuyên truyền thói quen đội MBH ở học sinh; hỗ trợ, tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn MBH đạt chất lượng; thực hiện chương trình phát thanh măng non trong học sinh về tác dụng của MBH...

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích