Chăm lo, giáo dục toàn diện trẻ em, bài 1:

Giáo dục và bồi dưỡng trẻ em

22/06/2020 - 06:48

BDK - Trẻ em có quyền được chăm lo, phát triển toàn diện. Điểm 2, Điều 4, Chương I Luật Trẻ em giải thích từ ngữ “phát triển toàn diện của trẻ em” là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Chăm lo để trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện cần có vai trò của cả gia đình và xã hội.

Gia đình là cái nôi yêu thương, chăm sóc con trẻ. Ảnh: Ph.Hân

Gia đình là cái nôi yêu thương, chăm sóc con trẻ. Ảnh: Ph.Hân

Môi trường gia đình

Với trẻ em, gia đình luôn là môi trường yêu thương lý tưởng để trẻ em phát triển. Trước khi bước ra xã hội, ba mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình là những người đầu tiên có những ảnh hưởng tới các em. Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang và anh Đặng Lê Ngọc Duy, Khu phố 3, phường An Hội, TP. Bến Tre, một trong các gia đình trẻ tiêu biểu của địa phương.

Trong ngôi nhà có 3 thế hệ, các thành viên đã chia sẻ cách mà họ vun vén tạo nên giá trị của 2 chữ “hạnh phúc”. Trong đó, trung tâm của hạnh phúc gia đình chị Trang và anh Duy được dành trọn vẹn cho đứa con. Con trai chị Trang năm nay 7 tuổi, đang ở độ tuổi ăn học, được cả gia đình tập trung bồi dưỡng toàn diện sức - trí - thể - mỹ. Dù công việc bận rộn nhưng vợ chồng anh chị luôn sắp xếp, dành thời gian gần gũi, chia sẻ để hiểu con. “Khi ở bên cạnh con, gia đình tôi luôn có sự tập trung nhất định vào con. Có như vậy, con mới cảm nhận được tình yêu thương. Một tình yêu dẫu lớn đến mấy mà không biết bộc lộ ra thì con trẻ không thể cảm nhận được sự trọn vẹn của tình yêu”, chị Trang nói.

 Nếu như chị Trang là người mềm mỏng động viên, cổ vũ con trai thì anh Duy sẽ giữ vai trò người cha nghiêm khắc để uốn nắn con. Nghiêm khắc để con nghe lời nhưng điều quan trọng, anh không đòi hỏi, không ép khi con không thích. Những khi con hiếu động, có hành động chưa đúng mực, anh nhẹ nhàng phân tích cho con những cái đúng, cái hay để dần hình thành nhân cách phẩm chất cho con. Với gia đình chị Trang và anh Duy, nếu thực phẩm là dinh dưỡng nuôi lớn thể xác thì tình yêu sẽ là “vi chất” không thể thiếu để bồi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ.

Xã hội chung tay

Sau gia đình, trường học là môi trường thứ hai của trẻ em. Thời gian qua, cùng với hệ thống giáo dục toàn quốc, tỉnh đang đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó sẽ tập trung phát triển các năng lực và phẩm chất riêng. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, hệ thống giáo dục của tỉnh còn trang bị phát triển về phẩm chất của học sinh. Trong định hướng giáo dục phổ thông mới hiện nay, có 5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.Cùng với đó, các tiết học, hoạt động thiên về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… được các trường chú trọng, nhằm trang bị cho các em các kỹ năng ứng phó, góp phần hạn chế các tác động từ các môi trường sống. Cụ thể, giáo dục để các con biết, làm và chung sống bằng tâm hồn, nhân cách, tự khẳng định mình. Đồng thời, giáo dục học sinh những nền tảng đạo đức về thẩm mỹ, thể chất. Thông qua đó, định hướng phát triển toàn diện.

Trẻ em được quan tâm bồi dưỡng thể chất qua các hoạt động thể dục thể thao. Ảnh: A. Nguyệt

Trẻ em được quan tâm bồi dưỡng thể chất qua các hoạt động thể dục thể thao. Ảnh: A. Nguyệt

Với Kế hoạch số 5057 của UBND tỉnh, chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học ngày càng được nâng lên. Qua đó, góp phần tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cho trẻ em với giáo trình phù hợp độ tuổi. Ngoài giờ thể dục chính khóa, các em đã được tập hợp để thành lập nhiều câu lạc bộ, đội nhóm sở thích theo từng môn, được tham gia giao lưu tại nhiều giải thể thao cấp trường, cấp xã, huyện và cấp tỉnh. Kết quả ghi nhận của tỉnh, có 100% học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa và hơn 95% tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa.

Ngoài nhà trường, trẻ em còn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa khác do đoàn thể tổ chức, chú trọng hơn đến phát triển kỹ năng mềm, giáo dục đạo đức cho trẻ.

Tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, có nhiều lớp kỹ năng để bồi dưỡng cho trẻ, như: lớp múa, học toán, kỹ năng... Có các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích để các em phát triển năng khiếu của mình như câu lạc bộ kịch, câu lạc bộ trống kèn... Nhiều năm qua, Hội đồng Đội tỉnh và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cũng đã tổ chức được các chương trình rèn luyện kỹ năng cho học sinh như Học kỳ quân đội. Chương trình cũng đã nhận được sự tham gia của nhiều học sinh, được phụ huynh ủng hộ, góp phần giáo dục học sinh về kỹ năng sống, giúp các em phát triển bản thân.

Từ Điều 12 đến Điều 36, Chương II, Luật Trẻ em quy định 25 quyền của trẻ em, trong đó có các quyền: được sống, quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được giáo dục, học tập và phát triển, quyền vui chơi, giải trí, quyền giữ gìn và phát huy bản sắc... Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

Ánh Nguyệt - Phan Hân - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN