Hội thảo “Phát triển nông thôn đồng bằng sông Cửu Long: Từ thực tiễn đến chính sách”

06/10/2018 - 21:11

GS Võ Tòng Xuân và đại biểu Bến Tre bên lề Hội thảo. Ảnh: Khắc Kỳ

GS Võ Tòng Xuân và đại biểu Bến Tre bên lề Hội thảo. Ảnh: Khắc Kỳ

Ngày 5-10-2018, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển nông thôn đồng bằng sông Cửu Long: từ thực tiễn đến chính sách”, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia (CSS) và Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong (CRD-SU) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức. Gần 200 đại biểu là những chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu, văn phòng điều phối nông thôn mới… dự hội thảo.

Trao đổi về chính sách và thực tiễn trong nông nghiệp và nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có 49 bài nghiên cứu với cách tiếp cận đa chiều, đa ngành đã đi sâu vào việc nghiên cứu các mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh… có thể ứng dụng tại ĐBSCL. Nhiều chuyên gia tâm huyết, gắn bó với sự phát triển của nông thôn ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng cũng đã chia sẻ những vấn đề về thực tiễn và kiến nghị những chính sách phù hợp với ĐBSCL nhằm giúp cho nông nghiệp khu vực, trong đó có Bến Tre có thêm điều kiện để phát triển.

Với câu hỏi “Bến Tre nằm ở đâu trong câu chuyện phát triển nông thôn ĐBCSL?”, có 5 bài nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài tỉnh góp sức trả lời. Đó là: "Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng ven biển Bến Tre - Thực trạng và các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng”; “Sản xuất và tiêu thụ trái cây Bến Tre - Tiềm năng và thách thức phát triển”; “Nâng cao hàm lượng khoa học - Đòn bẩy phát triển du lịch miệt vườn Chợ Lách”; “Khai thác tri thức bản địa phát triển du lịch sinh thái cộng đồng xã Thạnh Phong, Thạnh Phú”; “Nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng”.

Về phát triển nông nghiệp Bến Tre, theo GS Võ Tòng Xuân, đó là câu chuyện của “… nhiều người làm không phải chỉ có ngành nông nghiệp, là chuyện đa ngành, liên ngành; cần liên kết, huy động sự tham gia của nhà khoa học đi sâu bàn chuyện của nông dân một cách trực tiếp, nghiên cứu phát triển theo chuỗi giá trị. Ngày nay, nhà quản lý phải thích ứng với việc ban hành và thực hiện chính sách theo chuỗi giá trị, xuất phát từ thị trường. Phải đi từ câu chuyện cụ thể, ở từng hộ, tổ hợp tác, từng xã làm gì. Nói phát triển nông thôn bền vững là phải đi từ thị trường và tiếp cận theo kiểu đi từ dưới lên, không thể áp đặt từ trên xuống…”.

Khắc Kỳ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN