Năm học mới nâng cao chất lượng dạy và học

04/09/2019 - 07:19

BDK - Ngày 5-9-2019, cùng với cả nước, các trường trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2019-2020. Năm học này, toàn tỉnh có gần 200 ngàn học sinh các cấp học. Các trường đã chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới với nhiều quyết tâm và mục tiêu cụ thể trong quản lý, dạy - học. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Khởi lược ghi những dự định, kế hoạch của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) hân hoan chào đón năm học mới.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) hân hoan chào đón năm học mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học mới.

Cụ thể, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chỉ thị nêu ra 5 nhóm giải pháp cơ bản: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bến Tre Võ Văn Luyến: Giáo dục toàn diện học sinh và phòng chống bạo lực học đường

Cuối năm học 2018-2019, ngành giáo dục thành phố được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là nền tảng để cán bộ, nhân viên, giáo viên trên địa bàn có thêm niềm tin bước vào năm học mới. Năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT thành phố cố gắng duy trì thành quả giáo dục. Cụ thể, toàn ngành tiếp tục thi đua đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học; tổ chức nhiều hoạt động phong trào để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, nâng cao trách nhiệm nhà giáo trong việc chăm sóc học sinh để chống tình trạng bạo hành trẻ mầm non nói riêng và chống tình trạng bạo hành trong học đường nói chung. Thành phố đã triển khai rất mạnh nội dung này cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành trước khi bước vào năm học mới.

Học sinh nô nức chuẩn bị chào đón ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Phan Hân

Học sinh nô nức chuẩn bị chào đón ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Phan Hân

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT thành phố tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ để tập trung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt làm tiền đề để chuẩn bị thay sách lớp 1 trong năm học 2020-2021. Thành phố sẽ mở rộng quy mô việc học 2 buổi/ngày, để đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển đô thị hóa của TP. Bến Tre; giảm áp lực và quy mô các trường trọng điểm trên địa bàn trung tâm thành phố. Công tác giảm quy mô lớp học theo hướng quy hoạch lại 1 trường tiểu học trên địa bàn phường Phú Khương và cụm trường vừa có mầm non, tiểu học, THCS để giảm quy mô các trường trên địa bàn phường Phú Tân.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT thành phố tăng cường giáo dục định hướng trải nghiệm để học sinh có ý thức học tập, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống tốt. Trong xu thế hội nhập, ngành GD&ĐT thành phố sẽ tăng cường và chú trọng giảng dạy tiếng Anh, tin học. Năm học này, thành phố quyết tâm tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong thực hiện chủ trương thu học phí không dùng tiền mặt, hướng đến đổi mới tài chính, đổi mới quản lý; về lâu dài sẽ mở rộng việc tổ chức bán trú không chỉ ở bậc tiểu học mà cả ở bậc THCS.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An - Nguyễn Thị Tuyết Giang: Phát động học sinh tăng cường đọc sách

Bước vào năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo các em học sinh đến trường; đội ngũ giáo viên đủ đáp ứng công tác chủ nhiệm cho 31 lớp. Điểm mới trong năm học này, trường phát động học sinh tăng cường đọc sách để nâng cao vốn hiểu biết của mình. Nhà trường sẽ mở thêm nhiều mô hình như: góc sách thư viện, ống sách ở thư viện xanh. Bên cạnh đó, trường đã mở rộng không gian để hỗ trợ các em học sinh thực hiện mô hình bạn đọc tại trường; trang bị thêm nhiều bộ sách về đạo đức, thiếu nhi, sách pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri): Giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập

Ngay đầu năm học và xuyên suốt trong năm học, giáo viên chúng tôi luôn đặt ra kế hoạch dạy học cụ thể cho cá nhân mình. Những kế hoạch này sẽ tập trung và có định hướng để góp phần phát triển năng lực, phẩm chất của người học, trong đó có đảm bảo mục tiêu phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cuối năm.

Đối với bộ môn xã hội, đặc biệt là Ngữ văn, bản thân giáo viên sẽ chú trọng các hoạt động trải nghiệm và định hướng cho các em học sinh, rèn kiến thức và kỹ năng để các em có thể ứng dụng trong đời sống. Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, các giáo viên trong tổ sẽ linh hoạt mang kiến thức bên ngoài sách giáo khoa vào bài học để phù hợp với tâm lý, sở thích và lứa tuổi của các em. Đặc biệt nội dung sẽ hướng đến giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử của địa phương giúp các em học sinh có những kiến thức cơ bản hiểu hơn và thêm yêu thương quê hương, đất nước thông qua hình ảnh về con người, sự vật, sự kiện ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên.

Em Nguyễn Đăng Khoa, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri): Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi cuối cấp

Bước vào năm học mới với tâm thế là học sinh cuối cấp, em rất hào hứng, song song đó, bản thân em biết mình sẽ đối mặt với kỳ thi THPT quốc gia 2020 rất quan trọng. Ngay từ đầu năm học, bản thân em đã xác định việc học lúc này là quan trọng hơn bao giờ hết. Em sẽ ưu tiên mọi thời gian cho việc học, xây dựng cho mình những nền tảng kiến thức vững chắc để định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp để có thể vững vàng bước tiếp trong tương lai.

Để chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng với 2 phần lễ và hội, mục đích nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới cũng như thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.

Chương trình lễ khai giảng có các nghi thức: chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy… gửi thầy cô giáo, học sinh nhân ngày khai giảng; báo cáo tóm tắt thành tích năm học 2018-2019 và những nhiệm vụ trong năm học 2019-2020; trao học bổng, học phẩm cho học sinh nếu có; đánh trống khai giảng năm học mới. Riêng phần hội, các cơ sở giáo dục tùy theo tình hình thực tế tổ chức phù hợp, đảm bảo thời gian quy định; đảm bảo chuẩn bị chu đáo mọi mặt để lễ khai giảng vừa trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, vừa tạo dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với thầy cô giáo và học sinh.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích