Người thầy đam mê sách

18/04/2018 - 05:50

BDK - Tuổi thơ của thầy Liêm đầy niềm vui và tiếng cười nhờ sách truyện, khi lớn lên, thầy tiếp tục gieo tình yêu sách cho nhiều thiếu nhi bằng việc mở các phòng đọc sách.

Học sinh chọn sách truyện đọc tại phòng đọc sách của thầy Nguyễn Tiết Liêm.

Học sinh chọn sách truyện đọc tại phòng đọc sách của thầy Nguyễn Tiết Liêm.

Tuổi thơ với đồng ruộng và sách

Tôi gặp thầy Nguyễn Tiết Liêm ở một UBND xã, thầy đang xin giấy phép mở phòng đọc sách tư nhân, đó là phòng đọc sách thứ ba. Trước đó, vào năm 2000, thầy Liêm đã mở phòng đọc sách truyện ở cạnh Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Thăng, sau dời về trước cổng Trường THCS Phạm Viết Chánh (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) và phòng đọc sách đối diện Trường THPT Lạc Long Quân (TP. Bến Tre).

6 giờ sáng, thầy Liêm có mặt ở phòng đọc sách trước cổng Trường THCS Phạm Viết Chánh. Vừa trò chuyện với tôi, thầy vừa tiếp nhiều học trò đến mượn sách truyện. Thầy chậm rãi kể, tuổi thơ của thầy là những ngày nắng cùng đuổi chim, bắt bướm, mò cua, bắt ốc trên đồng ruộng với bạn bè. “Tôi là con út trong gia đình có 12 anh chị em, sinh sống tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Những ngày trời mưa, anh chị em tôi phải nằm co ro ở nhà, không thể đi chơi, buồn lắm và đó là lúc tôi lôi truyện ra đọc” - thầy Liêm cho biết. Tình yêu đối với sách truyện của thầy được hình thành nhờ người cha là giáo viên, mặc dù sớm hôm vất vả nuôi 12 đứa con, nhưng mỗi tối, cha đều dành thời gian kể chuyện cho các con. Thầy Liêm nói cha của thầy biết rất nhiều câu chuyện cổ tích.

Vào những năm 1970, gia đình thầy Liêm mở một cửa hàng văn phòng phẩm và bán sách truyện. “Đó là một cửa hàng khá khang trang ở chợ xã An Thạnh và tôi - một đứa trẻ mê đọc truyện lại có dịp đọc thỏa thích. Thói quen đọc sách dần hình thành từ đó” - thầy Liêm nói. Trong quãng đời của thầy, nhiều quyển sách truyện đã đem đến tiếng cười trẻ thơ. Tuổi niên thiếu thầy Liêm lại thấy mình ngày thêm yêu quê hương qua tác phẩm “Hòn đất”, những tác phẩm dịch như: “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”; khi trở thành một thanh niên, thầy lại rung động bởi những tác phẩm viết về thanh niên xung phong như “Ngọc trong đá” của Nguyễn Đông Thức. “Sách truyện đã mang đến cho tôi một tuổi thơ vui tươi, một tâm hồn yêu thiên nhiên và quê hương. Cuộc sống có những khi vất vả, khó khăn, sách đã giúp tôi có động lực vượt qua, đó là quyển “Mãi mãi tuổi 20”.Khi đọc quyển sách ấy, tôi nghĩ mình may mắn được sống trong thời bình và khó khăn không là gì cả, đó chỉ là một chút thử thách mà thôi” - thầy Liêm chia sẻ.

Đọc sách giúp học văn tốt

Trước hàng ngàn bản sách truyện đang phục vụ học sinh, chủ yếu là truyện tranh, thầy Liêm cho hay, ngoài giờ dạy học, thầy đến mở cửa phòng đọc cho các em đọc miễn phí tại chỗ, em nào mượn về thì trả tiền thuê 1.500 - 2.000 đồng/quyển. Số tiền thu được dùng mua truyện tranh mới bổ sung vào kho truyện mỗi tuần, hàng tuần cho các em đọc. Tất cả sách truyện của phòng đọc đều do thầy cặm cụi đọc và tìm hiểu nội dung nên đều hay, lành mạnh, bổ ích và đẹp. Thầy Liêm còn tặng nhiều bộ sách truyện như Danh nhân thế giới, Đôraemon, Trạng Quỳnh, Thần đồng Đất Việt cho Trường Tiểu học Nguyễn Trí Hữu (TP. Bến Tre) và Làng Trẻ em mồ côi ở xã An Hóa, huyện Châu Thành.

Thói quen đọc sách giúp ích rất nhiều. Theo thầy Liêm, khi mệt mỏi đọc một cuốn sách vui, tự nhiên sẽ thấy vui lại. Với học sinh, điều đó còn tốt hơn nữa. Trong phòng đọc sách của thầy Liêm, nơi dễ nhìn thấy nhất, thầy luôn dành để trưng bày sách truyện Việt Nam, những bộ sách truyện Việt Nam được nhiều học sinh yêu thích hiện nay là Thần đồng đất Việt, Trạng Quỳnh, Trạng Quỷnh.

Phương Nghi, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Phạm Viết Chánh, thường xuyên đến phòng đọc mượn sách truyện thổ lộ: “Sau những giờ học, con lại đọc sách giải trí, con thích truyện Chú Thoòng, Trạng Quỷnh, đặc biệt ở phía sau mỗi cuốn Trạng Quỷnh người ta đăng nhiều bài văn hay do các bạn viết, con rất thích đọc mục đó, con nghĩ nhờ đó mà lúc nào điểm văn của con cũng tốt, luôn khoảng 7 - 8 điểm”.

Mặc dù dạy môn Tin học nhưng thầy Liêm vẫn cho rằng, đọc trên mạng (lướt web), thì kiến thức hấp thụ không thể sâu được; thêm vào đó dễ bị rối, vì thường có quảng cáo, bán sản phẩm chen vào làm người đọc không thể tập trung và dễ chuyển sang những đề tài khác bắt mắt hơn. Vì vậy, đọc sách truyện vẫn là sự lựa chọn tối ưu của nhiều người. 

 Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay ở những vùng nông thôn, thiếu nhi ít có điều kiện tiếp xúc với văn hóa đọc, do sách truyện trong trường khá hạn chế số lượng đầu sách và chủ yếu là thể loại sách tham khảo, ít sách truyện giải trí và các phòng đọc tư nhân thì hiếm hoi. Cô Huỳnh Thị Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Viết Chánh nói: “Thư viện của trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là thư viện tiên tiến, học sinh tìm đến đọc sách khá nhiều. Và phòng đọc của thầy Nguyễn Tiết Liêm phía trước cổng trường sẽ giúp học sinh tìm được nhiều quyển sách truyện hay, bổ ích để bổ sung vào kho kiến thức và thỏa mãn nhu cầu đọc của mình”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN