Những đứa trẻ chín ép

29/05/2020 - 06:57

Bìa sách “Những đứa trẻ chín ép”.

Bìa sách “Những đứa trẻ chín ép”.

“Chúng ta đang hối thúc con trẻ phải trưởng thành nhanh như thế nào?” - Đấy là câu hỏi chủ đề mà nhà tâm lý học người Mỹ David Elkind đặt ra cho độc giả. Ngay từ lời giới thiệu đầu sách, vấn đề đã được nêu ra: Trong xã hội hiện đại, việc hối thúc trẻ được cho là đang trở thành lối sống được xã hội chấp nhận, thậm chí coi trọng. Sự hối thúc đi kèm với sự thiếu kiên nhẫn. Vì sao? Vì việc hối thúc phản ánh các giá trị văn hóa. Ví dụ như văn hóa đúng giờ và viện đến các giá trị đó, người ta sẽ biện hộ cho việc hối thúc trẻ.

Tác giả David Elkind sinh năm 1931 là nhà tâm lý học và nhà giáo dục người Mỹ. Các công trình của ông tập trung vào nghiên cứu nhận thức, tri giác và sự phát triển về mặt xã hội ở trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như những nguyên nhân và tác động của những áp lực căng thẳng lên chúng. Ngoài tác phẩm “Những đứa trẻ chín ép” (The hurried child), ông còn rất nhiều nghiên cứu nổi tiếng khác về lĩnh vực này.

“Những đứa trẻ chín ép” được tác giả David Elkind viết và xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 1981. Đến nay, với ấn bản thứ ba, tác giả đã có những bổ sung, nhận định mới cho phù hợp với thực tế hiện tại. Theo ông, qua nhiều thập kỷ, dù có những biến đổi nhiều hơn trong xã hội, có thêm nhiều yếu tố tác động đến trẻ em thì cha mẹ vẫn là nguồn ảnh hưởng chủ đạo lên sự phát triển chung của trẻ và trẻ em vẫn cần tình yêu của chúng ta, sự hỗ trợ của chúng ta và việc thiết lập giới hạn của chúng ta.

Ở ấn bản mới, David Elkind đã đề cập thêm về các yếu tố thay đổi trong thời đại mới. Đó là: Các chương trình kích thích và giáo dục dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, kể cả các chương trình thai giáo. Các dịch vụ chăm sóc “ngoài gia đình” dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Công nghệ, sự thương mại hóa tuổi thơ. Tác giả cũng có cập nhật lại một số chương viết và các ví dụ lẫn số liệu thống kê chứng minh những vấn đề gây stress cho trẻ em, để nhận định và có giải pháp giúp trẻ một cách hiệu quả hơn.

“Những đứa trẻ chín ép” là một cuốn sách đề cập thẳng đến những yếu tố tác động đến sự phát triển của trẻ em. Chăm lo, đầu tư cho con cái để các con trưởng thành với đầy đủ tư duy, bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng là mong mỏi của tất cả các bậc cha mẹ. Nhưng liệu rằng những mong mỏi đó đi liền với những hành động “hối thúc” có đang đánh đổi lấy tuổi thơ của các con? Lấy đi sự hồn nhiên, vô ưu đáng có của trẻ?

“Chúng ta hối thúc các con bởi chúng ta hối thúc chính mình. Nhưng điều đó sẽ khiến suy nghĩ, cảm thức của trẻ về niềm tin, lòng tốt, sự an toàn và nhân từ, khoan dung của thế giới này bị tổn hại”, cuốn sách đề cập. Tác giả cho rằng, trong xã hội ngày nay đã hình thành nên một quan niệm mới về trẻ em, “là lời giải thích ngầm” cho sự hối thúc mà người lớn đang áp đặt lên trẻ em cũng như thanh thiếu niên. Đó là quan niệm “siêu nhi đồng” - những đứa trẻ có sức mạnh ngoạn mục và năng lực vượt lứa tuổi, thậm chí khi mới là trẻ sơ sinh.

Tác giả cũng đánh giá, tình trạng ly hôn, nuôi con đơn thân, gia đình có cả cha và mẹ đều đi làm và các gia đình hỗn hợp (gia đình gồm hai vợ chồng và con riêng của họ) đã trở thành tiêu chuẩn được chấp nhận của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Đối với các bậc phụ huynh thời nay, việc chăm sóc, nuôi dạy con có thể mâu thuẫn với phát triển sự nghiệp cá nhân hoặc tìm hạnh phúc riêng của mình, thậm chí là cải thiện cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Tuy nhiên trong xã hội cũng vẫn còn nhiều bậc cha mẹ sống theo lối sống mới vẫn dành nhiều thời gian và công sức cho các giá trị truyền thống trong nuôi dạy con cái.

Cuốn sách được bố cục thành 2 phần, tổng cộng có 10 chương. Trong đó phần 1 tập trung thông tin để người đọc nhận diện về thực trạng “hối thúc” mà trẻ em ngày nay đang gánh chịu, những động lực dẫn đến tình trạng hối thúc trẻ em được nhận định đến từ các nhóm đối tượng là: cha mẹ, môi trường học đường, truyền thông, các phần mềm ứng dụng dành cho trẻ em, internet. Phần 2 của cuốn sách, tác giả phân tích về những tác hại mà trẻ em đang phải chịu và một số hành xử đối với trẻ em ở những lứa tuổi phù hợp, các vấn đề mà trẻ em đang gặp phải như: tình trạng stress ở lứa tuổi trẻ em, trưởng thành chậm..., giúp đỡ những trẻ bị hối thúc.

Một cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng các chuyên gia cũng nhận định rằng, trẻ em ngày nay đang có điều kiện an sinh kém hơn so với những thập kỷ trước. Các chứng bệnh ở trẻ như béo phì, trầm cảm đang ngày càng gia tăng, thậm chí có cả những tệ nạn xã hội, những vụ phạm pháp liên quan đến trẻ em. Như vậy, liệu chúng ta có đang chăm sóc cho trẻ em một cách tốt nhất hay chưa. David Elkind nhấn mạnh: “Xét cho cùng, một tuổi thơ đầy vui chơi là quyền cơ bản nhất của trẻ em”.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN