Quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe

17/04/2019 - 06:48

BDK - Từ đầu tháng 4-2019 đến nay, các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh tiến hành các giải pháp trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) nhằm giúp người học lái xe có kiến thức, kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn.

Sân chấm tự động hạng B2 tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Đồng Khởi.

Sân chấm tự động hạng B2 tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Đồng Khởi.

Nhiều quy định mới

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan này đã phát hiện nhiều trường hợp bất thường ở một số cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe. Cụ thể, có trường hợp học viên không biết chữ, không trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký học tại cơ sở đào tạo, giấy khám sức khỏe không đúng quy định; tổ chức đào tạo không đủ nội dung, chương trình đào tạo; tỷ lệ đạt yêu cầu ở một số kỳ sát hạch cao bất thường; công tác tiếp và nhận xử lý dữ liệu đổi GPLX chưa chặt chẽ…

Trong tháng 3-2019, nhiều văn bản về quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX được ban hành từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong lĩnh vực này. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), một số điểm mới đáng lưu ý cho người dân cần biết như sau: học viên được yêu cầu tự khai đầy đủ thông tin, ký và ghi rõ họ tên trong tờ đơn đề nghị học, sát hạch cấp GPLX để phát hiện học viên không biết chữ tham gia học và sát hạch lái xe. Tổ chức đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe theo đúng nội dung, chương trình và thời gian đào tạo.

Các trung tâm sát hạch lái xe bố trí tủ đựng đồ cá nhân, tổ chức theo dõi, có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu phát tín hiệu và các ứng dụng công nghệ để chỉ dẫn người dự sát hạch làm sai lệch kết quả. Người dự sát hạch lái xe ô tô không được công nhận trúng tuyển, tối thiểu sau 1 tháng kể từ ngày sát hạch không đạt, được đăng ký với cùng một cơ quan quản lý sát hạch cấp GPLX để sát hạch lại (để người thi không đạt có thời gian ôn luyện - PV).

Các quy định mới nhằm nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch GPLX, đồng thời đảm bảo cho học viên có đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông đúng luật, an toàn.

Nâng cao chất lượng sát hạch

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, gồm: trung tâm loại 1 thuộc Trường Cao đẳng Đồng Khởi (Ấp 1, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) và trung tâm loại 3 thuộc Trung tâm Đăng kiểm, đào tạo, sát hạch kiểm định và tư vấn công trình giao thông (Phường 7, TP. Bến Tre). Ông Dương Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Đồng Khởi tán đồng các quy định mới của Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT. ông Đức cho rằng: “Việc đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu quy định mới sẽ giúp cho các cơ sở đào tạo, học viên có ý thức hơn trong việc dạy và học lái xe, góp phần an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông”.

Việc chấp hành tốt các quy định của cơ quan chức năng trong lĩnh vực đào tạo và sát hạch GPLX còn giúp các trung tâm tự nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín trong lĩnh vực đào tạo lái xe. Gần 12 năm qua, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Đồng Khởi không chỉ đào tạo trực tiếp hơn 1 ngàn học viên/năm, khóa đào tạo nào cũng thu hút học viên là người ngoài tỉnh như Trà Vinh, Tiền Giang, thậm chí TP. Hồ Chí Minh đăng ký học. Ngoài ra, trung tâm này còn là lựa chọn của tỉnh bạn Trà Vinh liên kết tổ chức sát hạch cho gần 1 ngàn học viên mỗi năm (chỉ thi phần thực hành, do tỉnh Trà Vinh chưa có sân chấm sát hạch bằng thiết bị chấm điểm cảm ứng tự động).

Điều cần thiết nhất của việc đào tạo là làm sao giúp học viên không chỉ có GPLX mà họ còn tự tin điều khiển phương tiện an toàn khi tham gia giao thông trên đường. “Chúng tôi đã xin và được cấp phép chương trình đào tạo lái xe trên đường từ nội ô TP. Bến Tre đến ngoại thị như về huyện Thạnh Phú, Ba Tri, nhằm giúp học viên có kinh nghiệm thực tế, nhờ đó họ có đủ kinh nghiệm, tự tin tham gia giao thông”, ông Dương Minh Đức chia sẻ. Được biết, cách đây gần 8 năm, trung tâm này đã trang bị hệ thống sát hạch tự động đối với thi thực hành dành cho hạng B2; năm ngoái trung tâm tiếp tục trang bị thiết bị chấm điểm cảm ứng tự động cho hạng A1. Riêng tháng 3 và 4-2019, đơn vị này đã đầu tư gần 100 triệu đồng bố trí tủ đựng đồ cá nhân nhằm ngăn chặn việc sử dụng điện thoại di động của học viên khi tham gia sát hạch lý thuyết, lắp thêm nhiều camera quan sát…

Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT, tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch đều tuân thủ quy định mới, đối với thí sinh dự thi hạng A1 hiện phải tự đến và ghi đơn, không được nhờ viết hộ, thi xong phải ký và ghi họ - tên vào biên bản lưu bài. Quan sát nhiều đợt thi sát hạch đối với người lái ô tô và xe hai bánh ở hai trung tâm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ đậu cao nhất từ trước tới nay không quá 80% số lượng tham dự sát hạch và tỷ lệ đậu thông thường là 72 - 73%.

Việc thi bằng lái ô tô đang ngày càng khó hơn, bởi điều này là cần thiết, giúp cho người điều khiển phương tiện trang bị kiến thức, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, lái xe an toàn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT thông tin: Thực hiện theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ GTVT, khi TP. Bến Tre lên đô thị loại II, việc sát hạch lý thuyết đối với hạng A1 thực hiện trên máy vi tính; các địa bàn khác thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch. 

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích