Rèn kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho trẻ

01/06/2018 - 07:20

BDK - Ngày nay, điều kiện cuộc sống ngày càng tốt hơn, nhiều gia đình quá nặng việc cho trẻ được ăn ngon, mặc đẹp, mà quên đi việc giáo dục trẻ các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống - một trong những hành trang giúp trẻ đủ bản lĩnh, tự tin vào đời.

Trẻ được trang bị nhiều kỹ năng sống khi tham gia các hoạt động mang tính tập thể. Ảnh: T. Thảo

Trẻ được trang bị nhiều kỹ năng sống khi tham gia các hoạt động mang tính tập thể. Ảnh: T. Thảo

Lo ăn mặc, quên rèn kỹ năng

Thực tế dễ thấy, các phụ huynh (PH) ngày nay chăm con rất kỹ, có thể nói chẳng thiếu thứ gì. Nhiều PH vẫn đùa với nhau việc chăm con ngày nay “bao cấp đến tận răng”. Điều này được minh chứng cụ thể trường hợp chị T.Tr ở Bình Phú, TP. Bến Tre.

 Dù con gái chuẩn bị vào lớp 1, nhưng chị Tr. chăm con từ tóc đến răng. Việc đưa đón con là chuyện tất nhiên và chị “bao” luôn việc chải răng, kẹp tóc dù với tuổi của bé nhiều bạn đã tự lo cho mình từ A đến Z. Thậm chí việc sinh hoạt nhỏ nhất của bé, chị Tr. cũng kiêm luôn với lý do “tội nghiệp nó còn nhỏ”.

Cùng tâm lý “bao chăm”, có những em đã học lớp 10, lớp 11, mà ba mẹ vẫn đưa đón hằng ngày, không dám cho tự đi học. Ở nhà, nhiều trẻ được miễn giúp việc nhà để dành thêm thời gian cho việc học. Chính vì được bao bọc từ nhỏ, nhiều bạn trẻ mất đi tính tự lập. Có không ít trường hợp trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại cho người khác ngay cả  những việc có thể thực hiện trong tầm tay.

Cô giáo Trường Mầm non Thị trấn Giồng Trôm trong giờ kể chuyện cho trẻ lớp chồi 3. Ảnh: Thiên Nga

Cô giáo Trường Mầm non Thị trấn Giồng Trôm trong giờ kể chuyện cho trẻ lớp chồi 3. Ảnh: Thiên Nga

Dẫu biết, cha mẹ ai cũng mong muốn cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng, trong quá trình hình thành và phát triển của con trẻ không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp mà việc quan tâm, bồi dưỡng về mặt tinh thần đôi khi quan trọng hơn nhiều. Chỉ vì “sợ con còn nhỏ” “sợ con không đủ sức” “sợ ảnh hưởng việc học của con”… mà các PH đã quên mất việc cho con trải nghiệm. Đến khi con trưởng thành, nhiều người giật mình phát hiện mình đã bỏ qua việc giáo dục kỹ năng sống cho con.

Ông P.V.T cán bộ hưu trí vẫn luôn “giá như” khi tâm sự về cậu con trai đang học năm 2 đại học. Vì thương con, nên vợ chồng ông chăm chút cho con rất chu đáo, làm thay con tất cả mọi việc có thể. Đến khi xa nhà, phải tự lập, P.M.T (con trai ông P.V.T) lại bị hụt hẫng, lóng ngóng học cách tự chăm sóc mình trong khi bạn bè trang lứa đã hướng đến chặng đường mới của cuộc đời.

Nhắc lại trường hợp đuối nước của em T.Đ.H.A sinh năm 2008, ngụ tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri xảy ra vào đầu tháng 4-2018. Trong lúc tắm sông cùng nhóm bạn, em A. bị hụt chân và nước cuốn đi. Theo một em trong nhóm kể, A vẫy tay cầu cứu hai lần và lần thứ ba A. chìm xuống nước thật sự. Dù lội tìm nhưng không tìm thấy A. rồi cả bọn dẫn nhau lên bờ về nhà và không báo cho người lớn. Mãi đến tối cùng ngày, gia đình A. phát hiện em mất tích và thông báo nhà trường. Đến ngày hôm sau, chính quyền địa phương phát hiện thi thể của A. trên đoạn sông em tắm cùng nhóm bạn. Một người dân gần đó cũng thông tin, “ngày đó tôi ở nhà suốt mà không nghe tiếng kêu cứu nào của bọn trẻ”.

Qua sự việc đáng tiếc trên, mới thấy dường như các em đang thiếu kỹ năng sống cơ bản, trong đó có kỹ năng ứng phó tình huống. Để tập cho các em tính tự lập, xử lý các tình huống trong cuộc sống tốt hơn, thay vì bao bọc, PH hãy chia sẻ, định hướng giúp trẻ làm quen môi trường sống. Nên chăng nhà trường tăng cường các tiết học trải nghiệm để trẻ có những hoạt động thực tế bổ ích. Điều này sẽ góp phần tích cực trong cuộc sống, thành công của trẻ trong tương lai.

Bước đệm vững chắc vào đời

Trong thời buổi hiện đại, hầu hết trẻ tiếp xúc môi trường xã hội rất sớm. Do đó, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thực sự rất cần thiết - là bước đệm vững chắc cho trẻ vào đời.

Có tiếng là chăm sóc giáo dục con một cách khoa học, chị Trần Kim Mỹ - công chức nhà nước cho hay, bản thân chị áp dụng cả cách dạy truyền thống và hiện đại. Chị vừa sử dụng kỷ luật và biện pháp tâm lý, gần gũi, chia sẻ với con trẻ rồi vận dụng những kỹ năng học được trong sách và trên internet áp dụng giáo dục phù hợp tâm sinh lý của trẻ.

Theo chị Trần Kim Mỹ, khi trẻ đủ khả năng nhận thức được chị thường đưa ra tình huống có thật trong cuộc sống để ví dụ cho trẻ. Sau đó, phân tích, hướng dẫn cách để trẻ xử lý. Nhất thiết định hướng giáo dục con tinh thần tự giác, tự lập và sự thất bại. “Không ai là hoàn hảo tuyệt đối, do đó hãy giáo dục trẻ biết sự thất bại đó là bài học để giúp con cố gắng và tránh rơi vào trạng thái chán nản khi gặp những biến cố cuộc sống trong tương lai”, chị Trần Kim Mỹ cho biết.

Theo TS Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre, giáo dục kỹ năng cho trẻ cần tập trung rèn luyện 2 nhóm kỹ năng: học tập, làm việc, vui chơi giải trí; giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống cuộc sống. Với những nhóm kỹ năng học được, các em có thể áp dụng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống con người. Đó là bước đệm vững chắc để các em vào đời. Việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện trong nhà trường, qua các môn học chính khóa mà còn phải được thực hiện ở các môi trường gia đình, xã hội. Có thể bằng các hình thức khác nhau như: sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; bằng nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú như: hoạt động văn hóa, nghệ thuật; hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa; hoạt động tiếp cận khoa học kỹ thuật; hoạt động tham quan, dã ngoại… Các hoạt động đoàn, đội cũng chứng tỏ hiệu quả trong thời gian qua như: chương trình “Học làm người có ích”, chương trình “Học kỳ quân đội”…

“Để mỗi em có tương lai tươi sáng và tự tin bước đi trên con đường của riêng mình, PH và nhà trường hãy định hướng, giáo dục giúp các em rèn luyện kỹ năng sống tốt nhất từ khi còn nhỏ”, ông Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Chương trình giáo dục hiện hành, kỹ năng sống chưa có một môn học riêng. Chủ yếu các giáo viên lồng ghép đưa vào các hoạt động ngoại khóa, vui chơi. Thông qua, các câu lạc bộ, mô hình trải nghiệm của từng trường mà các em được tham gia các hoạt động theo sở thích. Trong đó, tập trung phần lớn vào kỹ năng học tập, vui chơi. Sắp tới, giáo dục kỹ năng sẽ được đưa vào chương trình giáo dục ở tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vào năm học 2018-2019.

(Theo ông Trần Văn Liêm - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo). 

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN