Thạnh Phú quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

10/08/2020 - 06:52

BDK - Trong thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạnh Phú đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Trước xu thế hội nhập, huyện đặt ra nhiệm vụ cao hơn là nâng cao tính bản ngã, bản lĩnh học sinh, giúp các em phát triển toàn diện.

Mô hình trồng rau hữu cơ trong trường học tại Trường THPT Lương Thế Vinh.

Mô hình trồng rau hữu cơ trong trường học tại Trường THPT Lương Thế Vinh.

Nhiều kết quả khả quan

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trong thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tập trung nhiều giải pháp và đạt kết quả đáng trân trọng.

Đến nay, toàn huyện có 55 trường công lập (trong đó 18 trường mầm non, mẫu giáo; 19 trường tiểu học; 18 trường THCS), 1 trường và 3 nhóm trẻ tư thục. Tỷ lệ huy động trẻ 3 tuổi vào mẫu giáo đạt 82,4% (tăng 13% so với đầu nhiệm kỳ); trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%; học sinh 11 - 14 tuổi học THCS đạt 98,05%.

Công tác quản lý được tiếp tục đổi mới và sáng tạo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn ở các cấp đều tăng lên. Mạng lưới trường, lớp được đầu tư theo hướng kiên cố và hiện đại.  Hiện toàn huyện có 20/55 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 36,36% (tăng 8 trường so với đầu nhiệm kỳ).

Chất lượng giáo dục được giữ vững, chất lượng mũi nhọn có bước đột phá; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, học sinh khá giỏi cấp tiểu học và THCS tăng lên hàng năm, học sinh yếu kém được kéo giảm; giữ vững tốt nghiệp THCS đạt 100%.

Hiệu quả các phong trào, các cuộc thi được nâng lên như: Kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp huyện và tỉnh, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, “Hội thi văn hóa đọc”, “Hội thi sách hay tiểu học”, “Hội thi Thư viện đẹp, năng động” đều đạt giải nhất toàn đoàn; nhiều phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đều đạt giải cao.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện được kéo giảm hàng năm, hiện còn 0,26% (giảm 0,15% so với cùng kỳ). Thành quả phổ cập tiếp tục được giữ vững và nâng chất. Công tác xã hội hóa huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư và chăm lo cho giáo dục.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia còn khó khăn và hạn chế như chất lượng giáo dục ở một số trường chưa thật sự đồng bộ, nhất là cấp tiểu học và THCS. Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có quan tâm đầu tư, nhưng tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu công nhận. Tình trạng thiếu nhiều giáo viên mầm non gây khó khăn cho công tác huy động và đảm bảo chất lượng chăm sóc trẻ. Chỉ có 1 giáo viên/lớp phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động nhưng chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Trinh cho biết, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ trọng yếu đặt ra cho ngành là đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết như: tỷ lệ huy động các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 Theo đó, để đạt được cần nâng cao nhận thức trong toàn ngành về chủ trương của Đảng đối với việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới.

Đổi mới quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển giáo dục và đào tạo. Khuyến khích phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục có chất lượng.

Nhấn mạnh điểm mới trong xác định mục tiêu phát triển giáo dục trong thời gian tới, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Trinh cho biết, huyện quan tâm giáo dục bản ngã, bản lĩnh, đổi mới phương thức giáo dục. Tập trung giáo dục đạo đức, kỹ năng để các em hòa nhập, hình thành bản lĩnh, bản ngã của mỗi cá nhân, tạo lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, cũng như có nghị lực vượt khó trong học tập, lao động.

“Đây là mảng khó trong giáo dục, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để đạt yêu cầu này, trước hết xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về số lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành...” - bà Phạm Thị Trinh nêu.

Kỳ vọng sự phát triển giáo dục huyện trong những năm tới là học sinh không chỉ được học kiến thức trong sách vở mà còn phải biết phân định đúng - sai, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân, từng bước phát triển toàn diện. Học sinh chủ động có những đóng góp cho trường học, xã hội bằng những việc làm, hành động thiết thực, có ý nghĩa; biết sống, học tập và làm việc với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, yêu thương. Đây là hệ thống kỹ năng mà nền giáo dục hướng tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng tham gia, cũng như cần sự vào cuộc của cả gia đình, xã hội cùng phối hợp chặt chẽ với nhà trường.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN