Tôi tự học

28/02/2020 - 07:41

BDK - Học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài liên tục gần 1 tháng qua. Trong bối cảnh này, tinh thần tự học chính là điều được cộng đồng quan tâm và đề cao.

Tuy không đến trường lớp nhưng việc học vẫn diễn ra bằng nhiều cách. Một số nơi thầy cô giáo giao bài tập, trao đổi, hướng dẫn học sinh qua mạng xã hội Zalo. Các nhóm học sinh tự tổ chức ôn tập bài vở với nhau. Đài truyền hình phát sóng các chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh...

Nhưng tự học như thế nào cho có hiệu quả? Mời quý độc giả cùng thử tìm hiểu phương pháp tự học qua tác phẩm “Tôi tự học” do một học giả có tiếng của Việt Nam chia sẻ để có thêm một góc nhìn mới. Bởi lẽ, như chính tác giả viết: “Học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách vào trường, “thập niên đăng hỏa” mà thực ra phải là công phu thực hiện của suốt một đời người. Học là một vấn đề không biết lúc nào là cùng. Còn sống giờ nào, còn phải học giờ nấy”.

“Tôi tự học” là một tác phẩm trong sự nghiệp viết sách đồ sộ của học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998) để lại cho đời. Ông sinh tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, là một học giả nổi tiếng của nước ta vào giai đoạn những năm 1950 - 1960, nổi tiếng với các tác phẩm như: Cái dũng của thánh nhân (1951), Óc sáng suốt (1952), Thuật tư tưởng (1952), Thuật xử thế của người xưa (1954)...

Sách của ông thuộc các chủ đề về học làm người, nghệ thuật sống, chuyên khảo, Dịch Đạo... Ông còn tham gia viết báo, dạy học và từng là giáo sư của Trường Đại học Vạn Hạnh, Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Theo lời Nhà xuất bản Trẻ, các biên khảo triết học, những quan niệm nhân sinh của Thu Giang - Nguyễn Duy Cần đã vượt qua được thử thách của thời gian, giúp cho con người mở mang thêm kiến thức, thay đổi nhận thức và hành động hợp lý, hợp tình. Nền tảng giúp con người tiến đến chân lý là sự tự trang bị kiến thức để có thể tự mình vượt qua rào cản của chính mình bằng cách tự học, tự rèn luyện để có được một bộ óc sáng suốt, biết suy nghĩ và phán đoán theo tinh thần khoa học.

Trong tủ sách quý của học giả, nhà xuất bản Trẻ đã được sự ủy thác của gia đình ông chọn lọc và xuất bản lại hai tác phẩm là “Óc sáng suốt” và “Tôi tự học”, với nội dung tập trung nói về phương pháp học tập, tư duy, rèn luyện nền tảng tinh thần để phát triển bản thân.

Tác giả viết: “Tự học là một nghệ thuật. Là nghệ thuật thì không thể truyền được”. Như vậy tại sao Thu Giang - Nguyễn Duy Cần lại viết “Tôi tự học”? Ông lý giải: “Văn hóa tuy không thể truyền được cái hay nhưng có thể khêu gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay”.

Tìm hiểu thêm về học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần được biết, tác giả là người vất vả nhiều trong con đường học vấn. Ông vốn là người rất kém về trí nhớ và có phần hạn chế về sức khỏe. Ông tự thuật: “... Sau khi ra trường cảm thấy mình bơ vơ, ngơ ngác trước con đường học vấn mênh mông. Thú thật, ở trường tác giả không học được gì hơn là những ý thức thông thường, nhưng không tiêu hóa được bao nhiêu. Là vì chương trình quá nặng mà thời gian tiêu hóa rất ngắn. Cho nên, ra trường được vài năm thì dường như đã quên gần hết những gì mình đã học. Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả...”.

Tựa đề là “Tôi tự học” mà không phải là “Tự học” cũng là dụng ý của tác giả. Ông nói: “Đây là một mớ nguyên tắc, không phải chỉ tự mình tìm ra, mà phần nhiều là của những bậc tiền bối cổ kim, đã giúp ích tác giả rất nhiều trong con đường học vấn”.

Ở vị trí là một học giả được nhiều người kính trọng nhưng Thu Giang - Nguyễn Duy Cần đã đặt mình ở vai trò là người chia sẻ kinh nghiệm tự học của chính mình. Phương pháp tự học mà bản thân ông chịu ảnh hưởng và tiếp thu từ những học giả lớn khác, như: Seinobos, Désiré Roustan, Marcel Prévost, Jean Guitton, Jules Payot, Gustave Rudler.

Tập sách gồm 8 chương với các nội dung: Thử tìm một định nghĩa, Những yếu tố chính, Những điều kiện thuận tiện cho sự tự học, Những phương tiện chính yếu, Đọc những gì?, Học những gì?, Ba yếu tố chính để xây dựng một nền văn hóa vững vàng, Một vài nguyên tắc làm việc và phần phụ lục với các tổng hợp về những lời hay ý đẹp.

Học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần có nói, người có học thức tức là người “không phải cần biết thật nhiều mà cần phải thật biết những gì mình đã biết”. Học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ không phải thuộc “lượng”. Càng biết rộng càng hay, càng biết sâu càng quý. Một cái học về bề sâu nhưng kém về bề rộng là một cái học câu chấp hẹp hòi. Cả hai đều thiếu sót cả. Có được một cái học rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất; có được một cái học chuyên môn thì cái học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học ấy là thực hiện được mức cao nhất của công trình văn hóa của mình.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN