Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

10/01/2019 - 07:59

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Bến Tre. Ảnh: Phan Hân

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Bến Tre. Ảnh: Phan Hân

Chiều 9-1-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

 Điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Tại Bến Tre, có đại diện văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tham dự.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sự thành công của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Do đó, các địa phương cần hướng đến chất lượng cũng như động lực, tránh áp lực để tạo điều kiện cho đội ngũ này phát huy hết tiềm năng…

Để chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đúng lộ trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục điều chỉnh, sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; xác định nhu cầu giáo viên trên địa bàn để có kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới...

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GĐ&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch theo lộ trình từ năm học 2020-2021; sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Việc dồn ghép, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của nhân dân.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dạy học được giảm tải, chú trọng phát triển năng lực cá nhân của học sinh thông qua các môn học tự chọn. Giáo dục phổ thông chia thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản từ lớp 1 - 9 và giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 - 12. Bậc tiểu học sẽ được học 2 buổi/ngày; THCS, THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học đã đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo. Tính đến hết tháng 10-2018, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước có trên 1,1 triệu người. Về cơ sở vật chất, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó có 424.757 phòng học kiên cố.

Tại hội nghị, đại biểu đặt ra nhiều vấn đề khó khăn khi triển khai như: dạy tích hợp liên môn, tuyển giáo viên sao cho phù hợp, thực hiện tự chủ nhà trường, mua sắm trang thiết bị để không gây lãng phí… Qua đó, mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có những văn bản hướng dẫn thực hiện để chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN