Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực Bến Tre - thực trạng và giải pháp

30/12/2013 - 08:17

Nhằm xác định nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa; đồng thời cung cấp những thông tin cơ bản về nguồn nhân lực địa phương cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện đề tài “Vấn đề chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu dân cư, nguồn nhân lực của tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp”.

Thông qua nghiên cứu, các tác giả đã đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và phân bổ nguồn lực cho đô thị, khu, cụm công nghiệp song song với việc phát triển đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giải quyết các vấn đề di cư và các vấn đề xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là dân số, lao động, cơ cấu kinh tế - lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động và tác động của chuyển dịch đến phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bến Tre.

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy các nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch lao động nhằm có công ăn việc làm chứ không thật sự hài lòng; vấn đề thu nhập và việc nâng cao trình độ của người lao động.

Nhóm đã đề xuất ba nhóm giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với điều kiện ở Bến Tre là:

- Nhóm giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động và phân bổ nguồn nhân lực cho đô thị và khu cụm công nghiệp, cần có chính sách hướng lao động khu vực nông nghiệp chuyển dịch vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, làng nghề truyền thống; có chính sách thu hút đầu tư, mở rộng trung tâm dạy nghề và các trung tâm huấn luyện liên kết với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để cung cấp lao động cho các khu công nghiệp; tập trung đầu tư, phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, phát triển các trung tâm dạy nghề cấp huyện,… Cụ thể, hoàn chỉnh và mở rộng các khu công nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống, tiếp tục vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác. Điều quan trọng là xây dựng cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án lớn, nhằm phát triển công nghiệp của tỉnh.

- Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực bao gồm đào tạo nhân lực và thu hút lao động chất lượng cao, cần có chính sách về vấn đề đào tạo văn hóa và đào tạo nghề, nhất là các nhóm nghề phù hợp với lao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề,… Trong quản lý, thu hút sử dụng đãi ngộ nguồn nhân lực cần quan tâm đến chính sách quản lý bền vững, bổ nhiệm vị trí phù hợp và trọng dụng tài năng trẻ.

- Nhóm giải pháp về vấn đề di cư và các vấn đề xã hội, cần hỗ trợ người di cư trở về địa phương nhằm tận dụng những kỹ năng và kiến thức mà họ thu nhận được, đồng thời chuyển giao những thông tin này cho những người khác tại cộng đồng địa phương… Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vấn đề đời sống, vật chất, tinh thần và an toàn xã hội cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo lợi ích hài hòa của doanh nghiệp và người lao động; có chế độ khen thưởng hợp lý cho người lao động để khuyến khích họ làm việc tốt hơn và gắn bó với công việc. Bên cạnh đó, cần trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, hỗ trợ các khoản kinh phí khác (cơm trưa, chi phí đi lại,...), đặc biệt cải thiện môi trường làm việc là vấn đề quan trọng để giữ chân người lao động

Ngoài ra, còn một số các giải pháp khác như: thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, xây dựng các mô hình học tập cho công nhân viên trong các khu công nghiệp tại tỉnh thông qua hệ thống thư viện và các câu lạc bộ giao lưu để nâng cao tay nghề, đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó giữa những người lao động với nhau.

Kết quả của đề tài đạt mục tiêu, nội dung đề ra được Hội đồng Khoa học và công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu và xếp loại Khá.

Kim Tuyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN