Kết quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh

18/02/2019 - 06:52

BDK - Trong những năm qua, Bến Tre đã không ngừng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và đã đạt được thành quả đáng khích lệ.

Nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Mô hình tăng trưởng là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế qua các năm với tốc độ hợp lý, gồm 3 thành tố cơ bản sau:

Động lực tăng trưởng là những yếu tố tác động đến GRDP, tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công và xuất khẩu của tỉnh; có đặc điểm bổ trợ - triệt tiêu lẫn nhau, có tính giai đoạn, hữu hạn, phụ thuộc vào đặc thù, lợi thế so sánh của tỉnh, cũng như xu thế trong nước và quốc tế.

Để tăng trưởng kinh tế, các động lực kinh tế cần phải có sự hỗ trợ của các nhân tố đầu vào chủ yếu gồm vốn, lao động và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) mà chủ yếu là tiến bộ công nghệ, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào là lao động, vốn đầu tư.

Cơ chế quản lý của Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển như chính sách tài khóa, chính sách mở cửa hội nhập, chính sách phát triển.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào số lượng vốn, lao động là sự tăng trưởng theo chiều rộng, còn dựa vào TFP là tăng trưởng theo chiều sâu.

Bảo đảm sự hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng như ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tốc độ tăng GRDP hợp lý, cao và ổn định trong dài hạn; chú trọng đến chất lượng tăng trưởng.

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật.

Phát triển và khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

Gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Kết quả chuyển đổi

GRDP bình quân đầu người 34,9 triệu đồng/người; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,38%; tạo việc làm mới 20.029 lao động, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, đạt 4,48 bác sĩ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 92%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch đạt 97%.

Trong 3 năm qua (2016 - 2018), tỉnh giữ tốc độ tăng trưởng GRDP hợp lý, ổn định và duy trì ở mức cao, từ 6,5 - 7,25%. Chỉ số ICOR năm 2017 và 2018 lần lượt 3,83 và 3,77, cho thấy đang có dấu hiệu giảm dần trong giai đoạn 2017 -  2018 nhưng vẫn còn cao so với tiêu chuẩn của thế giới (chỉ số ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển bền vững, ICOR càng cao thì hiệu quả càng thấp). Chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của tỉnh đã có dấu hiệu tích cực và đang tiệm cận với mức bền vững. Mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 là 24,12%, giai đoạn 2016 - 2018 chưa được công bố nhưng nhiều khả năng chỉ số TFP tăng cao.

Trình độ khoa học và công nghệ không ngừng được nâng lên qua từng năm. Năm 2018, tốc độ đổi mới công nghệ đạt 18%, tăng 3,7% so với năm 2017, đạt 90% so với chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh (20%/năm); giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27%, tăng 0,4% so với năm 2017, đạt 90% so với chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh (30%).

Tình hình sản xuất nông nghiệp có chuyển biến khá tốt, ứng dụng và nhân rộng tiến bộ khoa học, công nghệ gắn với các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ tập trung đã làm giá trị tăng thêm khu vực I tăng 4,19% năm 2018.

Nhiều sản phẩm của địa phương đã được khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường như sản phẩm bưởi da xanh đã xuất khẩu qua các nước: Hà Lan, Đức cùng nhiều thị trường tiềm năng như Singapore, Nhật Bản, Nga và dừa xiêm xanh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”. Ngoài ra, sản phẩm dừa hữu cơ và lúa hữu cơ Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Để việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh thành công hơn nữa, cần tiếp tục huy động các nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế toàn cầu, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường thể chế kinh tế - xã hội, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đặc biệt, vai trò của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng phải được coi là chìa khóa nhằm nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng với tiêu hao đầu vào (vốn, đất đai, năng lượng,...) ở mức thấp hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng, tiến tới tăng trưởng cao hơn.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN