Một số quy định trong lĩnh vực đo lường

05/07/2019 - 07:42

Đo lường là một lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội, gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế và sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Do đó, việc quản lý nhà nước đối với các phương tiện đo được Chính phủ và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Những năm qua, Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11-11-2011, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường cùng các văn bản khác có liên quan đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực đo lường.

Trong năm 2018, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KH&CN tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đo lường tại 425 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương tiện đo nhóm 2, phép đo, lượng hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định thuộc các lĩnh vực: vật liệu xây dựng; kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ; xăng dầu; dịch vụ taxi vận chuyển hành khách; dịch vụ nhà cho thuê tháng; cung cấp nước sinh hoạt…  Kết quả kiểm tra: Thực hiện tốt 174 cơ sở; nhắc nhở, gia hạn khắc phục đối với 230 cơ sở (vi phạm về việc không thực hiện kiểm định phương tiện đo hoặc sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định đã hết hiệu lực); xử phạt vi phạm hành chính 21 cơ sở với tổng số tiền trên 346,5 triệu đồng.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, nguyên nhân các hành vi vi phạm về không thực hiện kiểm định phương tiện đo nhóm 2 trong trao đổi, mua bán trước khi đưa vào sử dụng phần lớn là do các cơ sở kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về đo lường đối với phương tiện đo đang sử dụng. Chủ các cơ sở chưa ý thức được trách nhiệm của người sử dụng phương tiện đo là phải thực hiện kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Mặt khác, thông tin tuyên truyền kiến thức pháp luật về đo lường chưa được triển khai đồng bộ và thường xuyên nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa đến tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đối tượng xem nhẹ các quy định của pháp luật, cố tình thực hiện hành vi vi phạm, gian lận về đo lường trong kinh doanh nhằm thu lợi bất chính.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đoàn đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đo lường, đặc biệt là việc sử dụng, quản lý, kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng; tuyên truyền, phổ biến quy định các chế tài đối với hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa các hành vi tiêu cực, gian lận về đo lường trong thương mại.

Nhằm thông tin đến các tổ chức, cá nhân hiểu rõ thêm những quy định pháp luật trong công tác kiểm định phương tiện đo nhóm 2 trước khi đưa vào sử dụng, tác giả xin chia sẻ một số quy định như sau:

Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 quy định việc kiểm định các phương tiện đo nhóm 2, cụ thể:

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

- Phương tiện đo nhóm 2: là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.

- Kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận phương tiện đo đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường

Điều 4. Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo:

TT

Tên phương tiện đo

Biện pháp kiểm soát về đo lường

Chu kỳ kiểm định

PDM

Kiểm định

Ban đầu

Định kỳ

Sau sửa chữa

I. Lĩnh vực đo khối lượng

1

Cân phân tích

-

x

x

x

12 tháng

2

Cân kỹ thuật

-

x

x

x

12 tháng

3

Cân bàn

x

x

x

x

12 tháng

4

Cân đĩa

x

x

x

x

12 tháng

5

Cân đồng hồ lò xo

x

x

x

x

12 tháng

II. Lĩnh vực đo lưu lượng nước

6

Đồng hồ nước lạnh cơ khí

x

x

x

x

60 tháng

III. Lĩnh vực đo điện     

7

Công tơ điện xoay chiều 1 pha

x

x

x

x

60 tháng

8

Công tơ điện xoay chiều 3 pha

x

x

x

x

24 tháng

IV. Lĩnh vực y tế

9

Phương tiện đo điện tim

-

x

x

x

24 tháng

10

Phương tiện đo điện não

-

x

x

x

24 tháng

11

Huyết áp kế thủy ngân

-

x

x

x

12 tháng

12

Huyết áp kế lò xo

-

x

x

x

12 tháng

Điều 19. Các chế độ kiểm định:

a) Kiểm định ban đầu là việc kiểm định lần đầu tiên đối với phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng.

b) Kiểm định định kỳ là việc kiểm định theo chu kỳ quy định tại Điều 4 của Thông tư này đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng.

c) Kiểm định sau sửa chữa là việc kiểm định đối với phương tiện đo thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phương tiện đo được sửa chữa do không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định;

- Chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) của phương tiện đo bị mất, bị hỏng hoặc hư hại khác nhưng cấu trúc và các đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo không bị thay đổi so với mẫu đã được phê duyệt;

- Theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền;

- Người sử dụng phương tiện đo phát hiện dấu hiệu có khả năng phương tiện đo không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định và đề nghị kiểm định lại.

Điều 20. Yêu cầu đối với thực hiện kiểm định:

a) Việc kiểm định do cơ sở có phương tiện đo cần kiểm định lựa chọn, thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức kiểm định được chỉ định có phạm vi kiểm định phù hợp thuộc Danh mục các tổ chức kiểm định được chỉ định.

b) Việc kiểm định do kiểm định viên đo lường của tổ chức kiểm định được chỉ định thực hiện. Kiểm định viên đo lường phải được chứng nhận và cấp thẻ theo quy định.

c) Việc kiểm định được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại quy trình kiểm định phương tiện đo tương ứng do Tổng cục ban hành.

d) Chứng chỉ kiểm định được làm theo mẫu thống nhất trong toàn quốc.

e) Chứng chỉ kiểm định phải được in ấn, chế tạo, phát hành, quản lý và sử dụng theo đúng quy định. Chứng chỉ kiểm định cấp cho phương tiện đo được kiểm định đạt yêu cầu có giá trị trên phạm vi toàn quốc.

f) Thời hạn có giá trị của chứng chỉ kiểm định sẽ chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Chu kỳ kiểm định đã hết;

- Đã có sự thay đổi hoặc cải tiến làm thay đổi đặc trưng kỹ thuật đo lường của phương tiện đo;

- Phương tiện đo đã hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định;

- Các chứng chỉ kiểm định bị mất, bị hỏng hoặc hư hại khác.

Đối với các hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 của Chính phủ, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây khi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị đến 1.000.000 đồng (tính theo giá trị phương tiện đo mới cùng chủng loại hoặc phương tiện đo mới có đặc tính kỹ thuật tương đương tại thời điểm vi phạm hành chính):

a) Không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận) hoặc hiệu chuẩn theo quy định;

b) Chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn đã hết hiệu lực;

c) Tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn trên phương tiện đo.

2. Mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này khi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị trên 1.000.000 đồng được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị trên 70.000.000 đồng.

Trong thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra về đo lường đối với việc kiểm định phương tiện đo nhóm 2; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các các hành vi gian lận về đo lường, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Đỗ Công Trứ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN