Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất các sản phẩm khoa học và công nghệ

18/03/2019 - 07:01

BDK - Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học tại tỉnh có sự phát triển, có nhiều sản phẩm từ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN), sáng kiến khoa học kỹ thuật được thương mại hóa trên thị trường. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu khá nhiều nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, các sản phẩm từ nghiên cứu đến sản xuất và thương mại tuy đã đạt được một số thuận lợi nhưng vẫn còn một số khó khăn cần những giải pháp để phát triển hơn nữa các sản phẩm KH&CN.

Sản phẩm chuối cấy mô được thương mại hóa thành công trên thị trường tỉnh.

Sản phẩm chuối cấy mô được thương mại hóa thành công trên thị trường tỉnh.

Từ đề tài nghiên cứu…

Theo thống kê Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN, đến tháng 2-2019, tỉnh có 5 doanh nghiệp KH&CN, 9 tổ chức KH&CN và 2 văn phòng đại diện. Con số này là khá khiêm tốn so với chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Trong thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài theo hướng có giá trị thực tiễn cao, mỗi nhiệm vụ KH&CN là gắn liền với một sản phẩm để thương mại trên thị trường (rượu Linh Chi, nấm xanh Ma, chế phẩm Compost maker, Trichoderma, cây cấy mô…). Hay nói cách khác là mỗi nhiệm vụ sẽ có một sản phẩm được thương mại, đó là mục tiêu của đơn vị. Từ thành công các đề tài nghiên cứu cây nuôi cấy mô, trung tâm đã hoàn thiện các quy trình và sản xuất hàng năm khoảng 30 ngàn cây chuối xiêm và chuối già cấy mô, hơn 5.000 cây hoa kiểng cấy mô các loại (cúc đồng tiền, dạ yên thảo, hoa chuông) cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Sản phẩm nấm xanh từ dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopoae ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh Metarhizium anisopoae trừ rầy nâu hại lúa tại 4 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giống Trôm” đang được nhân rộng trong công tác phòng trừ sâu rầy trên lúa, hoa kiểng và rau màu, được người dân tin dùng và đạt hiệu quả cao, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Sản phẩm rượu Linh Chi từ kết quả nghiên cứu thành công của đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất Rượu Linh Chi từ rượu nền truyền thống” đã thương mại hóa tại thị trường của tỉnh.

 Từ thành công của dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững”, đã sản xuất thành công chế phẩm Compost Maker, Trichoderma, vi sinh vật chức năng, thông qua các buổi hội thảo, tập huấn người dân đã biết sử dụng ứng dụng vào trong sản xuất và ứng dụng các chế phẩm trong xử lý nguồn phế thải nông nghiệp chăn nuôi và sản phẩm sau biogas để sản xuất phân hữu cơ vi sinh góp phần hạ giá thành sản phẩm và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Năm 2018, Trung tâm đã cung cấp 2,2 tấn chế phẩm vi sinh ước đạt 115 triệu đồng, 10.500 lít chế phẩm E.M xử lý môi trường ước đạt 130 triệu đồng. Các sản phẩm KH&CN này sau khi được nghiên cứu thành công đã được ứng dụng đưa vào sản xuất thương mại hóa sản phẩm với chất lượng vượt trội, phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Đến ứng dụng sản xuất

Những cải tiến sản phẩm từ khâu nghiên cứu quy trình đến sản xuất thành phẩm luôn được đánh giá cao nhằm tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu, nhiên liệu, bảo vệ môi trường, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Các sản phẩm sau quá trình sản xuất có tỷ lệ đồng đều cao, đạt các tiêu chuẩn cho phép theo quy định.

Để tiếp tục biến những nghiên cứu đến sản xuất sản phẩm và thương mại trên thị trường trong tương lai, cần thực hiện những giải pháp cụ thể sau: 

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần xây dựng cơ sở dữ liệu và các báo cáo về nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương mình. Các báo cáo về nhu cầu ứng dụng các tiến bộ KH&CN của cơ quan quản lý nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho cá nhân, tổ chức KH&CN hình thành các ý tưởng nghiên cứu hướng nhiều hơn vào thị trường.

Hai là, công khai hóa các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh trên trang mạng của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN. Việc công khai các đề tài nghiên cứu (ít nhất công khai về tên đề tài, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và một số kết quả đạt được) góp phần tiết kiệm được kinh phí đầu tư cho KH&CN, tránh việc nghiên cứu trùng lắp và tạo được sự tham khảo kế thừa trong nghiên cứu khoa học.

Ba là, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng đặt hàng, theo nhu cầu ngành, địa phương như vậy sản phẩm mới có địa chỉ sử dụng hiệu quả.

Bốn là, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần xây dựng nhiệm vụ KH&CN theo hướng mỗi nhiệm vụ là một sản phẩm và cần đặt ra tiêu chí là sản phẩm phải được tiêu thụ trên thị trường.

Năm là, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần xây dựng nhiệm vụ KH&CN theo hướng thị trường bởi mỗi nhiệm vụ là một sản phẩm và sản phẩm đó phải theo nhu cầu của thị trường, sự sống còn của sản phẩm nghiên cứu là do sự quyết định của cơ chế thị trường.

Sáu là, các giải pháp, sáng kiến KH&CN của nông dân, người lao động, sinh viên, học sinh tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh đều là những giải pháp chứng minh được tính mới, tính hiệu quả và tính khả thi cần đưa vào thực tiễn sản xuất, phát triển thương mại hóa thành công trên thị trường công nghệ.

Ths. Đinh Cát Điềm (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích