Thị trường khoa học công nghệ và liên kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp (kỳ 1)

28/02/2020 - 07:41

BDK - Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN), thị trường KH&CN là nơi bán, mua hàng hóa công nghệ theo quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và các quy luật khác của nền kinh tế thị trường. Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu KH&CN, góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ.

Thị trường KH&CN

Tại tỉnh, trong thực tiễn quá trình chuyển giao công nghệ của các DN thì kết quả làm chủ công nghệ, quyền sở hữu kết quả KH&CN để tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có năng suất và chất lượng là tiền đề hình thành, phát triển DN  KH&CN và đang hoạt động như mô hình DN KH&CN. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 102 DN có hoạt động dịch vụ KH&CN, chiếm 3,9% tổng số DN, giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN chiếm tỷ trọng 0,65% GRDP của tỉnh.

Điều này cho thấy, việc phát triển thị trường KH&CN còn rất sơ khai, chủ yếu hướng dẫn, hỗ trợ DN, tổ chức KH&CN tham gia các phiên chợ công nghệ, thiết bị, các hội thảo chuyên đề, cung cấp một số dịch vụ KH&CN chủ yếu như chuyển giao các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ phân tích, thử nghiệm và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp… Quy mô cung - cầu trên thị trường công nghệ của tỉnh còn rất nhỏ bé, do các tổ chức KH&CN còn quá ít, hiệu quả chưa cao, làm hạn chế hoạt động giao dịch trên thị trường công nghệ.

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Xây dựng ngành KH&CN tỉnh nhà đủ sức đóng vai trò thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất, trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30%.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào được chứng nhận là DN KH&CN. Qua khảo sát, có 3 nhóm vấn đề nổi lên cần được quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn DN: Tư vấn ươm tạo công nghệ và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; Các cơ chế, chính sách và thủ tục giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu KH&CN; Chưa có tổ chức trung gian để tư vấn, hỗ trợ cho DN.

Đến nay, đã hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN 15 DN hoàn thiện quy trình, giải pháp, nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng KH&CN; đã cấp giấy chứng nhận thành lập 6 DN KH&CN với 25 sản phẩm, nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Giá trị sản phẩm KH&CN của 6 DN năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng.

Công nghệ chế biến dừa tiên tiến

DN nói chung cũng như DN KH&CN nói riêng được tỉnh chủ trương ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài, tham gia các chương trình phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước, các nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương. Qua số liệu điều tra, từ năm 2015 đến nay, DN tỉnh đã chủ động nhận chuyển giao công nghệ chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, nông - lâm - thủy sản, chế biến thực phẩm với 223 hợp đồng được ký kết, tổng giá trị 492 tỷ đồng; tổng chi cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, mua thiết bị, công nghệ trong DN năm 2018 - 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Kết quả đánh giá trình độ công nghệ, đối với nhóm ngành sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh đạt xấp xỉ trình độ trung bình tiên tiến, trong đó có 2 DN đạt trình độ tiên tiến. Đặc biệt, yếu tố về công nghệ, thiết bị trong sản xuất, chế biến dừa của tỉnh đạt trình độ tiên tiến. Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 19,07%, tăng 5,82% so với cùng kỳ; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 28,8%, tăng 6,67% so với cùng kỳ. Kỳ vọng, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 30% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn tồn tại một số khó khăn nhất định như: Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. So với yêu cầu đặt ra vẫn còn có khoảng cách, vẫn còn mang tính dàn trải, chưa có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN quy mô liên ngành, liên vùng, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao liên kết giữa các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, hàm lượng KH&CN nói chung thể hiện trên các sản phẩm chưa cao...

Tỉnh hiện có 12 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập đang hoạt động với 473 nhân lực nghiên cứu và phát triển có trình độ từ đại học trở lên. Giá trị giao dịch của sản phẩm và dịch vụ KH&CN năm 2018 đạt trên 2,6 ngàn tỷ đồng; năm 2019 đạt trên 2,7 ngàn tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 5,93% và 6,19% GRDP của tỉnh, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2015 (0,65% GRDP của tỉnh).

(Còn tiếp)

Huỳnh Cao Thọ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN