Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh

15/07/2020 - 07:28

BDK - Ngày 18-6-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh trong 6 tháng qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đã có chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Kim Tuyền

Bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đã có chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Kim Tuyền

Ứng dụng khoa học và công nghệ

Trong 6 tháng qua, các ngành chức năng đang tập trung hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Đến nay, đã có 8.285,6ha cây ăn trái, dừa và tôm biển được công nhận GAP và hữu cơ, gồm: diện tích trồng dừa 7.927ha; chôm chôm 55ha; bưởi da xanh 278,45ha; nhãn 10ha; tôm biển 15,15ha. Đã cấp 11 mã vùng trồng, trong đó cây nhãn có 3 mã vùng trồng với diện tích 47,26ha; chôm chôm 8 mã vùng trồng với 88,2ha và 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 1 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP); 6/8 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có nhãn hiệu (dừa uống nước xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng, con heo và con bò). Hai sản phẩm chưa có nhãn hiệu là cây nhãn và tôm biển. Có 8/8 sản phẩm chủ lực đang được xây dựng và ứng dụng các giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc.

Ngành KH&CN tăng cường các nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch. Hỗ trợ Công ty TNHH Kỹ thuật dừa Bến Tre xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001, ISO 14001; Công ty TNHH MTV Tiến Phát áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng Halal và Cơ sở thạch dừa Minh Châu thực hiện HACCP, ISO 22000; hỗ trợ Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2020; cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp KH&CN” cho Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Công ty TNHH Kỹ thuật dừa Bến Tre.

Hỗ trợ xây dựng, vận hành và cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo GlobalGAP cho các hộ trồng bưởi tại TP. Bến Tre; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho 13 tổ chức và cá nhân trên địa bàn sử dụng sản phẩm bưởi da xanh… Xây dựng quy trình công nghệ xử lý và bảo quản nhãn tiêu da bò (theo phương pháp mới); Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ cho sản phẩm “Nhãn Long Hòa” cuối năm 2019, “Nhãn Tam Hiệp” năm 2020.

Cây chôm chôm đã xây dựng mô hình khắc phục hiện tượng nứt trái chôm chôm bằng biện pháp canh tác ở Chợ Lách; xây dựng và công bố nhãn hiệu tập thể Chợ Lách đối với sản phẩm trái chôm chôm; đang xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm chôm chôm”…

Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống quản lý trang trại chăn nuôi heo đạt tiêu chuẩn VietGAP và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Mỏ Cày Nam” cho sản phẩm con heo tại huyện Mỏ Cày Nam. Công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri”. Đã hoàn tất hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tôm biển Bến Tre” và nhãn hiệu tập thể “Tôm sinh thái Thạnh Phước”.

Nhiệm vụ thời gian tới

Sở KH&CN tiếp tục xây dựng mô hình quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Áp dụng và triển khai nhân rộng cho các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được thí điểm thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc. Kết nối dữ liệu trên toàn bộ chuỗi cung ứng, cung cấp thông tin về truy xuất nguồn gốc cho khách hàng, đối tác, cơ quan chức năng khi cần thiết. Xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử để thông tin và giới thiệu nông sản của tỉnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, ghi nhãn hàng hóa và đăng ký mã số mã vạch theo yêu cầu. Triển khai mô hình quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh. Thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh và cua biển của tỉnh.

Tiếp nhận chuyển giao và sản xuất giống sạch bệnh bằng công nghệ vi ghép cho cây bưởi da xanh để cung cấp cho nhà vườn. Chọn tạo được và vi nhân thành công một số giống dừa năng suất, chất lượng cao. Tiếp nhận chuyển giao thành công 8 quy trình công nghệ bao gồm 6 quy trình chăn nuôi, phòng trị bệnh, vỗ béo cho bò thuần và bò lai hướng thịt; 1 quy trình trồng cỏ; 1 quy trình chế biến, bảo quản cỏ để phát triển đàn bò tại địa phương.

Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN