Cần quan tâm kiểm tra sức khỏe định kỳ

04/05/2018 - 07:56

BDK - Anh D., 42 tuổi, cứ khoảng 6 tháng lại ra phòng xét nghiệm máu tư nhân ở Phường 1, TP. Bến Tre lấy máu để kiểm tra chức năng gan, thận và chỉ số đường. Anh cho biết đây là việc làm nhằm kiểm tra sức khỏe định kỳ của anh trong nhiều năm nay mà khỏi cần đến bệnh viện hay nhờ bác sĩ thăm khám. Thử trao đổi với một số người, tôi nhận thấy họ cũng có cùng suy nghĩ như anh D., có nghĩa là tự mình kiểm tra sức khỏe, bao giờ phát hiện vấn đề không ổn mới nhờ đến bác sĩ.

Người dân chờ đợi đến lượt kiểm tra sức khỏe tổng quát. Ảnh: Hoàng Vũ

Người dân chờ đợi đến lượt kiểm tra sức khỏe tổng quát. Ảnh: Hoàng Vũ

Thử máu có là cách tốt nhất?

Theo các bác sĩ, xét nghiệm máu cho phép xác định số lượng các tế bào máu và các thành phần liên quan của máu giúp nhận biết các bệnh nhiễm trùng, một số bệnh ung thư, ở các bệnh nhân tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đây là xét nghiệm đầu tay của các bác sĩ, giúp họ chẩn đoán nhiều loại bệnh.

Tuy nhiên, để theo dõi sức khỏe bài bản, bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, sau 40 tuổi, mỗi người nên tầm soát 1 lần/năm, sau 60 tuổi kiểm tra 6 tháng/lần với điều kiện sức khỏe bình thường. Quan niệm xét nghiệm máu là biết hết các bệnh là sai lầm. Xét nghiệm máu thường chỉ cho biết về chức năng gan, thận, hồng cầu, nước tiểu. Trong khi kiểm tra tổng quát cần điện tim, siêu âm bụng, tim, chụp X quang phổi... Một số đối tượng đặc biệt cần phải có bộ đặc biệt hơn. Ví dụ như nữ, nam, tùy lứa tuổi, nghề nghiệp mà có các xét nghiệm chuyên sâu. Và việc này đòi hỏi phải có sự tư vấn của bác sĩ.

Những lưu ý cho người dân

Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu chủ động thì có thể tránh được hậu quả đáng tiếc. Một bác sĩ chuyên khoa 1 về ngoại thần kinh qua đời ở tuổi 45, sau 4 tháng phát hiện khối u ở ổ bụng. Điều khiến mọi người xung quanh bất ngờ là sức khỏe của anh này bình thường, thậm chí có thể nói là tốt. Chỉ là dạo sau này, bạn bè tinh mắt nhận thấy vòng bụng anh “phát”, ăn uống đôi khi không ngon. Đến khi siêu âm ổ bụng mới phát hiện khối u. Anh tham khảo các bác sĩ đầu ngành, nhưng đã trễ, hậu quả không can thiệp được.

Một người đàn ông 75 tuổi, sức khỏe cũng bình thường nên không có đi kiểm tra sức khỏe hàng năm. Trong một lần bệnh, đi khám ở phòng mạch tư, nhìn thấy bảng xét nghiệm tổng quát nên ông cũng làm thử cho biết tình hình sức khỏe. Kết quả xét nghiệm máu bình thường, nhưng khi chụp phổi, phát hiện khối u nằm ngay đỉnh phổi. Gia đình tức tốc đưa đi chữa, nhưng bệnh của ông đang vào giai đoạn cuối.

Qua kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc bệnh nhân, một số bác sĩ đánh giá ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao. Thế nhưng, cũng chưa có một thống kê đầy đủ tỷ lệ người dân đi kiểm tra sức khỏe tổng quát trong tổng số người đến bệnh viện nhằm mục đích thăm khám bệnh. Do ngại mất thời gian chờ đợi, nhiều người chọn giải pháp đến các phòng mạch tư, nhờ bác sĩ quen chỉ định cho nhanh lẹ. Vì thế, theo bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân, tới đây, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu sẽ quan tâm nhiều hơn về vấn đề này, để thu hút sự tham gia của người dân. Bệnh viện sẽ hoàn thiện dịch vụ, giảm thiểu thủ tục để người dân nhận kết quả chính xác, nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Chi phí khám sức khỏe tổng quát hiện nay ở mức khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng/lượt và không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Với nhiều người thì đây là số tiền không nhỏ, chưa kể chi phí này cao gấp nhiều lần so với khi chỉ làm xét nghiệm máu bình thường. Tuy nhiên, nếu việc kiểm tra sức khỏe trở thành nhu cầu, được thực hiện định kỳ như thói quen thì món quà mà ta nhận được là sự an tâm trong tương lai.

Mai Anh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN