Hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy, phục hồi sức khỏe

22/06/2018 - 08:17

Hoạt động khám chữa bệnh tại Khoa Điều trị ngoại trú Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Thành Nam

Hoạt động khám chữa bệnh tại Khoa Điều trị ngoại trú Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Thành Nam

Việc nghiện ma túy và hậu quả của nó đã gây ra gánh nặng cho xã hội. Thời gian qua, cùng với các đơn vị chức năng trong tỉnh, Bệnh viện Tâm thần đã có nhiều đóng góp trong việc điều trị, giúp người nghiện từ bỏ ma túy, phục hồi và duy trì sức khỏe. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Ngọc Nhân - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần xoay quanh nội dung này.

* Về chuyên môn, dựa vào tiêu chuẩn nào để xác định một người bị nghiện ma túy, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Trần Ngọc Nhân: Dưới góc độ y học, nghiện là một bệnh lý, do đó, cần được các chuyên gia thăm khám và chẩn đoán. Hiện nay, theo ICD-10, tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện bao gồm: sự thèm muốn mãnh liệt hoặc cảm giác bắt buộc phải sử dụng ma túy; khó khăn trong việc kiểm soát các hành vi sử dụng như khởi đầu, chấm dứt hoặc mức độ sử dụng; có hội chứng cai khi ngừng hoặc giảm sử dụng ma túy; có hiện tượng tăng dung nạp với ma túy; ngày càng trở nên thờ ơ với các thú vui hoặc sở thích khác; tiếp tục sử dụng ma túy mặc dù biết rõ về các hậu quả có hại.

Để chẩn đoán xác định cần có ≥ 3 triệu chứng trên trong 12 tháng vừa qua. Lưu ý, những test nước tiểu, kiểm tra nồng độ ma túy trong máu chỉ có giá trị xác định đó là người “sử dụng ma túy” chứ không chẩn đoán đó là nghiện ma túy.

* Thường thì những đối tượng nào dễ rơi vào nghiện sử dụng chất ma túy?

- Trước đây, đa số người sử dụng ma túy là heroin nhưng gần đây có sự trẻ hóa trong số những người sử dụng do sự xuất hiện của các chất nghiện mới như đá, lắc… Hiện nay, đối với ma túy tổng hợp (như methamphetamin) thì các đối tượng lạm dụng thường là người trẻ, chủ yếu là nam, hay tập trung ở các nhà nghỉ, vũ trường.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy lạm dụng ma túy đã xuất hiện cả ở nhóm học sinh và thanh thiếu niên, những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như bị gia đình bỏ rơi, bố mẹ ly dị, bị xâm hại tình dục, đánh đập, người mẹ bị bạo hành, gia đình có người lạm dụng ma túy… đều làm gia tăng nguy cơ lạm dụng ma túy ở nhóm này.

* Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về tác hại của việc nghiện ma túy đối với sức khỏe?

- Tác hại của ma túy lên sức khỏe người sử dụng là rất lớn, cấp tính gây ra những tổn thương nặng nề, khi ngưng sử dụng vẫn có những trở ngại về tâm lý và cơ thể. Khi đã ngưng thành công, cũng để lại những rối loạn di chứng, do đó, can thiệp y tế là cần thiết và với mỗi đối tượng, mỗi giai đoạn lại có những can thiệp khác nhau.

* Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho những người này như thế nào?

- Người nghiện ma túy là bệnh nhân vì có những rối loạn tổn thương thực thể ở thần kinh, não bộ và cơ thể khi tiếp xúc nhiều với các chất tác động tâm thần như ma túy. Về mặt chuyên môn, bác sĩ sẽ điều trị, hạn chế những tác hại này, nhằm phục hồi, duy trì sức khỏe cho bệnh nhân trong những giới hạn cho phép. Cụ thể: với trường hợp những người sử dụng ma túy có những biểu hiện cấp tính như ngộ độc, say ma túy, hoặc rối loạn tâm thần và hành vi trong khi sử dụng ma túy, gây nguy hiểm cho chính họ, những người xung quanh và xã hội, các cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Tâm thần nói riêng sẽ can thiệp điều trị triệu chứng.

Với những người sử dụng ma túy muốn ngưng sử dụng hoặc gặp khó khăn về mặt sức khỏe khi ngưng sử dụng, bệnh viện cũng có những phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ nhóm bệnh nhân này.

Những người đã ngưng sử dụng ma túy thành công đôi khi vẫn phải đối diện với những tổn hại về sức khỏe qua nhiều năm. Do đó, nhu cầu điều trị của họ cũng rất cao, bệnh viện cũng hỗ trợ điều trị những rối loạn di chứng do sử dụng ma túy như sa sút trí tuệ, stress tái diễn…

Bên cạnh đó, những liệu pháp phục hồi chức năng, lao động xã hội, sự hỗ trợ từ gia đình cũng giúp củng cố hiệu quả cai nghiện cho bệnh nhân. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận những đối tượng này, thay vì xem họ là những đối tượng tệ nạn thì phải nhìn nhận họ như những bệnh nhân cần hỗ trợ về y tế và tâm lý.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn về vấn đề đã nêu?

Ma túy được xác định theo 4 tiêu chí:

- Là một chất có thể gây nghiện.

- Là một chất có thể gây tác hại trên tâm thần, thần kinh và thể chất.

- Sử dụng có xu hướng tăng liều.

- Là chất bị cấm bởi luật pháp nước sở tại (tại Việt Nam, ma túy là những chất bị cấm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP và 126/2015/NĐ-CP).

Các loại ma túy: bán tổng hợp (nhóm cocain, heroin), tổng hợp (methamphetamine).

- Như đã đề cập ở trên, những đối tượng dễ bị nghiện hầu như đều có vấn đề về tâm lý hoặc không đủ bản lĩnh để từ chối những cám dỗ do ma túy mang lại. Để đề phòng tái nghiện là vấn đề khó khăn không chỉ của cá nhân người sử dụng (do lệ thuộc về tâm lý và cơ thể) mà còn của cả gia đình và xã hội. Việc chuyển đổi quan điểm là bước đầu tiên để phòng tái nghiện. Khi nhìn những người sử dụng dưới góc độ những người cần hỗ trợ y tế, sẽ mang lại sự tự tin để họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ đủ tự tin để trình bày những vấn đề của bản thân; không bị kỳ thị sẽ không dẫn đến những hành vi thù hằn, bi quan, chán nản, bất cần. Gia đình và xã hội cũng sẽ tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập, tạo công việc và lao động, sản xuất, từ đó tìm thấy những giá trị trong cuộc sống, tránh rơi vào vòng lẩn quẩn của nghiện - cai - tái nghiện.

Tuy nhiên, đây là góc nhìn về những người sử dụng ma túy có động lực và mong muốn ngưng sử dụng, đối với những đối tượng lạm dụng ma túy như nguồn sống, không muốn cai nghiện và tìm thấy lợi ích kinh tế trong việc lạm dụng ma túy thì đó lại là vấn đề khác, vấn đề về tội phạm ma túy, chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác.

* Một ca điều trị thành công phải mất thời gian bao lâu và chi phí như thế nào?

- Thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chẩn đoán, bệnh cơ thể, mục tiêu điều trị. Chẳng hạn, trong trường hợp bệnh nhân nhập viện vì kích động trong cơn say ma túy đá, mục tiêu điều trị đặt ra là ổn định bệnh nhân, cấp cứu tâm thần thì thời gian điều trị thường 3 ngày đến một tuần; những bệnh nhân đến điều trị vì rối loạn thần kinh hoặc rối loạn khí sắc do sử dụng ma túy cần thời gian điều trị lâu hơn từ vài tháng đến vài năm; không thiếu những trường hợp rối loạn di chứng do sử dụng ma túy phải điều trị nhiều năm để tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, những người lạm dụng ma túy có kèm các bệnh lý nội, ngoại khoa cần kết hợp điều trị nhiều chuyên khoa thì thời gian điều trị phải kéo dài hơn.

Chính vì những yếu tố đó, chi phí điều trị cũng rất khác nhau giữa các bệnh nhân, trung bình một đợt điều trị nội trú cho chẩn đoán rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy dao động từ 4 - 6 triệu đồng.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Khải Minh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Tranvanhuu Cách đây 22 năm

    Bs cho e hỏi e có sử dụng ma túy đá một lần vì say rựu khi do bn rủ và e hút nó wa ngày hôm sau e mệt e nhập viện vào khoa hồi sức và nay e về nhà không dùng tới nữa khoảng 1thag rồi e cảm thấy cơ thể của e khác thẳn ra .ng thì bình thường có cái e cứ lo âu suy nghĩ và e nge hơi thở của e khác như lúc trước kia .mong bs tư vấn e cảm ơn bs ak.hiện tai e cung khám tổng quát dag bi viên dạ dày hp và dag điều trị ak.cảm ơn bs

  • Thiện Cách đây 20 năm

    Em đã sử dụng ma túy đá trong vòng 2 tháng. Giờ em đã bỏ hẵn nhưng hiện tại em bị choáng váng đầu óc không tập trung được và cứ bị hoa mắt bác sĩ có cách nào điều trị tại nhà xin chỉ giúp em