Phòng chống bệnh dại

30/03/2018 - 07:41

BDK - Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là một bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng hàng năm.

Khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Biết được nguyên nhân gây bệnh, các phương pháp phòng ngừa là biện pháp chủ động phòng tránh bệnh dại hiệu quả nhất.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi-rút dại gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí có vi-rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm. Bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp cần thiết để phòng chống bệnh dại.

Bệnh dại có 2 thể là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt) đôi khi chó có cả 2 thể xen kẽ nhau. Thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. Thể điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được. Thể dại câm: con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa thân hoặc 2 chân sau, thường là liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

Thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi-rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh.

Chẩn đoán bệnh dại trên người chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh và tiền sử tiếp xúc với vi-rút dại. Giai đoạn đầu bệnh nhân mắc bệnh dại có cảm giác sợ hãi, sốt, mệt mỏi, đau đầu, khó chịu, cảm giác đau và tê vết thương nơi con vật cào/cắn. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, gió kèm theo tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, đôi khi có hiện tượng xuất tinh tự nhiên (đối với nam). Bệnh thường kéo dài 2 - 6 ngày và chết do liệt cơ hô hấp.

Chẩn đoán xác định bệnh dại bằng các kỹ thuật xét nghiệm. Tuy nhiên, trên thực tế do tính nguy hiểm của bệnh dại, nên khi bị động vật nghi dại cắn, người bệnh phải được giám sát và điều trị dự phòng khẩn cấp mà không chờ chẩn đoán xác định bệnh dại ở động vật bằng xét nghiệm.

Trung tâm Giáo dục sức khỏe

Chia sẻ bài viết
Từ khóa bệnh dại

BÌNH LUẬN