Phòng ngừa bệnh hen suyễn cho trẻ

28/03/2018 - 08:59

BDK - Bệnh hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là một bệnh mạn tính của đường hô hấp phổ biến nhất ở trẻ em. Vào thời điểm giao mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thường khiến cho trẻ mắc bệnh này tăng đột biến. Bậc cha mẹ cần quan tâm theo dõi để tránh những nguy cơ xấu của bệnh ảnh hưởng đến trẻ.

Bác sĩ Trạm Y tế Phường 8, TP. Bến Tre khám bệnh cho bé.

Bác sĩ Trạm Y tế Phường 8, TP. Bến Tre khám bệnh cho bé.

Dấu hiệu nhận biết

Theo thống kê của bệnh viện công lập, số ca hen suyễn được nhập viện và điều trị không đáng kể. Tuy nhiên, ở các phòng khám tư nhân ghi nhận phần lớn là các bệnh về hô hấp, đặc biệt hen suyễn.

Tại Phòng khám bác sĩ Hồ Thanh Nhàn (gần cầu Nhà Thương), trung bình một ngày có trên 40 trẻ nhỏ và người lớn đến điều trị dạng hen suyễn. Tất cả có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh cảm thông thường và có nhiều trường hợp viêm tiểu phế quản, không ít trường hợp hen suyễn nặng phải điều trị lâu dài. Theo bác sĩ Hồ Thanh Nhàn, biểu hiện ho, khò khè, khó thở có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau không chỉ riêng cho bệnh hen suyễn. Vì vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân chính xác sẽ rất quan trọng và vô cùng cần thiết cho việc điều trị.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở xã Long Định, huyện Bình Đại thường xuyên đưa bé đến khám và điều trị tại một phòng khám nhi trên địa bàn TP. Bến Tre với cùng một triệu chứng ho khò khè của con trai. Con trai chị Thúy 36 tháng tuổi, đường hô hấp của cháu rất nhạy cảm, thời tiết thay đổi là cháu có hiện tượng khò khè trong từng hơi thở. Bé vẫn ăn và chơi rất ngoan, nhưng khi ngồi bên cạnh chị có thể nghe rõ từng hơi thở khò khè trong cổ họng. Chị đưa cháu đi bác sĩ và kết quả chẩn đoán bé bị viêm phế quản hen. Bác sĩ cho toa thuốc kết hợp phun thuốc khoảng 1 tuần là bé khỏi bệnh nhưng chỉ mang tính cấp thời, hiện tượng vẫn tái phát khi có thể. Việc tái phát này rất thường xuyên, sau vài ngày khò khè, cháu thường có hiện tượng ho nhiều, kèm với chảy mũi.

Còn anh Nguyễn Xuân Danh - công chức nhà nước cho hay: “Con gái tôi 27 tháng tuổi. Lúc hơn 1 tháng tuổi cháu bị ho, sổ mũi, khò khè, thở gấp, tôi đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám và uống thuốc, bé khỏi bệnh. Lúc bé được 8 tháng tuổi, bé bị ho, sổ mũi, khò khè, khó thở tôi đưa bé đi khám và điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản dạng hen và được điều trị khỏi”.

Để tránh nhầm lẫn và kịp thời phát hiện bệnh cho trẻ, bác sĩ Hồ Thanh Nhàn cho rằng, việc theo dõi triệu chứng khò khè trong hen suyễn là cần thiết, vì đây là triệu chứng được quan tâm nhiều nhưng lại rất dễ nhầm với các triệu chứng của tình trạng ngạt mũi.

“Khi thấy trẻ ho nhiều lần, đặc biệt về đêm khò khè, khó thở nhiều đến mức làm trẻ không ngủ được mà không hề có triệu chứng nào khác, trong khi ban ngày lại hoàn toàn bình thường, cần nghĩ đến khả năng trẻ mắc bệnh hen suyễn. Trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có triệu chứng ho, khò khè, khó thở ít nhất 3 lần/ngày cũng cần nghĩ ngay đến suyễn, kể cả khi gia đình không có tiền sử bệnh suyễn, dị ứng”, bác sĩ Nhàn lưu ý.

Phòng ngừa hen suyễn

Mặc dù chưa xác định hết các căn nguyên của bệnh hen suyễn ở trẻ em nhưng có rất nhiều tác nhân có khả năng gây bệnh và gây nguy cơ cao của bệnh hen suyễn. Trong đó, có các yếu tố: di truyền, thời tiết, môi trường sống khói bụi, tiếp xúc lông động vật, ăn các món hải sản và các tác nhân khác như: hít mùi nước hoa, dầu gió, rượu, khói thuốc lá, khói nhang, vận động quá sức.

Theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng - bác sĩ điều trị hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, đang tham gia khám bệnh tại Phòng khám Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh (Sơn Đông, TP. Bến Tre), khi bệnh nhân bị hen suyễn, đường thở bị co thắt nhạy cảm hơn, đồng thời phản ứng mạnh hơn đối với các tác nhân gây dị ứng. Bệnh có thể kiểm soát bằng cách tránh các yếu tố khởi phát và làm nặng cơn hen. Nên hạn chế máy lạnh khi thay đổi thời tiết, kiểm soát các yếu tố gây dị ứng, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Hạn chế tiếp xúc với người bị cảm cúm, tránh vui buồn quá độ, hoạt động gắng sức.

Theo nhiều bác sĩ, để tránh những biến chứng nguy hiểm do hen phế quản gây ra cho trẻ, việc chẩn đoán, điều trị sớm và xử trí kịp thời khi trẻ lên cơn suyễn là vô cùng quan trọng. Nếu không được phát hiện và xử lý sớm, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây biến chứng như xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, suy dinh dưỡng, biến dạng lồng ngực, ngừng hô hấp.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng lưu ý, đối với trẻ thường xuyên có triệu chứng, nhất là trẻ đã từng nhập viện do cơn suyễn nặng, cần sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài. Phụ huynh cần cho trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có một trong những dấu hiệu: dùng thuốc cắt cơn mà trẻ vẫn không bớt khó thở hay chỉ giảm tạm thời; trẻ nói năng khó nhọc hoặc tím tái - đây là dấu hiệu rất nguy kịch.

Bài, ảnh: Phan Hân

Hiện nay, có 5 - 10% trẻ nhỏ mắc bệnh hen suyễn. Việc lặp đi lặp lại các triệu chứng bệnh trên bé được xác định bởi 5 vấn đề: đa số ngưng điều trị khi thấy hết triệu chứng ho, khò khè; sợ dùng thuốc dạng phun (khí dung) trong điều trị hen suyễn; do một số gia đình không đủ tài chính để duy trì điều trị; ngại đến bệnh viện do phải chờ đợi; nghe lời đồn điều trị bằng thuốc Nam... Việc gián đoạn điều trị có khả năng làm bệnh trở nặng hơn và ảnh hưởng việc điều trị về sau.

Để kiểm soát tốt bệnh, cha mẹ nên tuân thủ việc điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, đừng đợi con hen nặng mới điều trị.

(Bác sĩ Hồ Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN