Sơ kết 2 năm triển khai chương trình sữa học đường

24/05/2019 - 20:44

 

Sáng 24-5-2019, Ban Chỉ đạo Chương trình sữa học đường tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình sữa học đường giai đoạn 2017-2019. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Sau 2 năm triển khai, có 282 trường mầm non, tiểu học, với 50.981 trẻ trong tỉnh tham gia chương trình. Trong đó, có 1.245 trẻ nhà trẻ; 19.151 trẻ mẫu giáo; 30.585 trẻ tiểu học. 12.690 trẻ được uống miễn phí, với số tiền chi trả trên 1,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường, hầu hết trẻ thích loại sữa tươi dùng trong chương trình. Từ năm 2017 đến nay, không có tình trạng ngộ độc khi trẻ dùng sữa của chương trình.

Tình hình trẻ em suy dinh dưỡng được cải thiện. Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân có tỷ lệ 0,58%, thấp còi 0,44%. Tuy nhiên, ở hầu hết địa phương, trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng (2,96).

Trong quá trình triển khai cũng còn một số hạn chế: các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú chưa chủ động điều chỉnh, bố trí lịch uống sữa cho phù hợp với bữa ăn tại trường. Một số trường có trẻ không tham gia chương trình đầy đủ nên các trường không đưa được lượng sữa trong chương trình vào khẩu phần ăn để tính dinh dưỡng cho trẻ. Các trường ở nơi chưa có dịch vụ thu gom rác nên gặp khó khăn trong xử lý rác thải.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước nhắc nhở đối với Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình sữa học đường tại một số huyện thiếu quan tâm khi giải quyết các khó khăn trong triển khai chương trình thời gian qua.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước đề nghị, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng chương trình. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao thái độ chính trị từ lãnh đạo địa phương đến từng phụ huynh để cộng đồng hiểu đúng, đủ tác dụng của sữa đối với trẻ cũng như chương trình sữa học đường. Đồng thời, nâng cao số lượng trẻ tham gia, đảm bảo mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn. Cố gắng mỗi huyện tăng từ 10 - 15% tỷ lệ trẻ tiểu học và đạt 85% trẻn mần non, nhà trẻ tham gia chương trình.

Đối với Sở Y tế cần có đánh giá về thể trạng hoặc chỉ số thông minh của trẻ để minh chứng hiệu quả của chương trình. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện cần làm tốt vai trò tham mưu, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh những khó khăn vướng mắc để đảm bảo chương trình đạt hiệu quả trong giai đoạn tới.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích