Thức cùng “blouse trắng”

17/02/2018 - 05:49
Y, bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong ca trực đêm 30 Tết.

Tết là dịp người người, nhà nhà sum họp bên gia đình và người thân. Bên ngoài cánh cổng bệnh viện, dòng người đông đúc, nhộn nhịp nói cười để chờ thời khắc đón chào năm mới. Tiếng pháo giao thừa nổ vang trên bầu trời đêm 30 Tết. Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vẫn lặng lẽ công việc thường nhật - chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Làm việc hết công suất

Kim đồng hồ đã điểm 22 giờ, các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu đã thấm mệt sau một ngày tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân. Vừa trống bệnh, điều dưỡng Cao Thị Trang tranh thủ để tiếp chuyện chúng tôi. Nói dăm ba câu chưa trọn vẹn, chị lại lao vào băng ca cấp cứu với tấm drap trắng được chị vuốt phẳng phiu trước đó để sẵn sàng đón bệnh.

Bánh xe cấp cứu vừa cán cửa khoa, chị và đồng nghiệp đã ứng tiếp bệnh nhân kịp thời. Chúng tôi đành rút khỏi “cuộc chơi” để các anh chị làm nhiệm vụ. Mọi thao tác của các y, bác sĩ rất dứt khoát nhanh nhẹn. 5 ca tai nạn giao thông liên tiếp chuyển đến cấp cứu. Chị Cao Thị Trang vừa đo huyết áp ca đầu tiên thì phải đưa mắt dõi theo ca mới nhận để phán đoán mức độ nguy hiểm và ưu tiên thăm khám.

Không riêng chị Trang, tất cả nhân viên y tế của bệnh viện phải làm việc hết công suất và trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận những ca bệnh nặng và cấp cứu khẩn cấp. Tận mắt chứng kiến mới thấy hết được những vất vả của các y, bác sĩ nơi đây.

Chị Cao Thị Trang cho biết: “Với nghề y, đêm giao thừa hay ngày thường thì trách nhiệm của y, bác sĩ điều như nhau, thậm chí áp lực còn tăng hơn ngày thường. Dù có vất vả hơn nhưng vì sức khỏe bệnh nhân, chúng tôi luôn cố gắng làm hài lòng tất cả”.

“Hầu hết các trường hợp cấp cứu ngày Tết là do tai nạn giao thông. Do đó, mình phải theo dõi bệnh nào nặng hay khả năng mất máu nhiều phải xử lý ngay, lơ là, chậm trễ có thể nguy hiểm tính mạng” - chị Trang cho hay.

Đêm xa nhà

Ngày xuân của 15 điều dưỡng, 5 bác sĩ tại khoa cấp cứu cùng các nhân viên, y, bác sĩ tại các khoa điều trị của bệnh viện là những đêm xa nhà, thức thâu đêm với người bệnh.

Mới vào nghề được vài tháng, điều dưỡng Thái Văn Quẹo chia sẻ: “Khi chọn nghề y, bản thân em đã xác định và chấp nhận niềm vui đón giao thừa xa gia đình. Ở nhà cùng vui với người thân, ở bệnh viện thì có bệnh nhân”.

Nhìn đôi mắt quầng thâm của điều dưỡng Thái Văn Quẹo, chúng tôi hiểu em đã nhiều đêm trắng mắt với những ca bệnh. Dù vậy, đôi chân vẫn bước đều theo nhịp dồn của pháo hoa đêm giao thừa với sự khẩn trương cùng tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

“Đêm giao thừa, hầu hết các y, bác sĩ không được nghỉ ngơi. Năm nào cũng vậy, số lượng bệnh nhân tăng cao, đặc biệt khoa cấp cứu. Do đó, các anh em luôn ý thức được trách nhiệm, đồng thời tạo không khí vui tươi giúp bệnh nhân và người nhà an tâm điều trị” - bác sĩ Duy Linh tại Khoa Cấp cứu cho biết.

Tại điểm thu viện phí ngoài giờ hành chính, chị Hà - nhân viên kế toán đang miệt mài đóng dấu thu viện phí cho bệnh nhân. Chị chia sẻ, ngày nay bệnh đông chị phải làm liên tục, hai vai rã rời nhưng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Dù vất vả nhưng rất vui vì năm nay không có trường hợp người nhà bệnh nhân nhậu say càn rối.

Mang niềm vui cho bệnh nhân

Tết! dù không hoa, không pháo và bánh mứt nhưng ca trực đêm giao thừa, mọi người như gần gũi, gắn kết hơn. Không khí ấm áp như một gia đình được thể hiện rõ tại Khoa Sản. Bé trai 3kg được chào đời trong thời khắc thiêng liêng của năm mới là tràng pháo hoa rực rỡ nhất dành cho đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hồng Châu bộc bạch: “Niềm vui của tụi chị là giây phút được nghe tiếng khóc chào đời của bé. Nhìn thấy bé an toàn được sinh ra như tiếp thêm động lực để mỗi cá nhân cố gắng hơn nữa trong nhiệm vụ dịp đầu năm”.

 Ngoài kia, tiếng pháo hoa mừng đón giao thừa nổ vang, một vài điều dưỡng nhân lúc vắng bệnh chạy ra bên ngoài để kịp chiêm ngưỡng. Khi ấy, chúng tôi chợt hiểu họ - những y, bác sĩ. Họ vẫn có những khát khao, tình cảm và ước mơ du xuân, đón Tết như bao công dân khác. Hiểu họ, chúng tôi càng cảm thông và chia sẻ với các chiếc sĩ áo trắng - thầm lặng hy sinh những niềm vui riêng bên người thân. Với họ, sức khỏe, tính mạng người bệnh là niềm vui lớn lao duy nhất trong đêm trực.

“Không kể ngày thường hay ngày Tết, 100% nhân viên của bệnh viện nghiêm túc thực hiện chế độ trực 24/24. Ngoài ra, bệnh viên đã chuẩn bị lực lượng ứng cứu ngoài viện, sẵn sàng điều động khi cần thiết. Vì sự an toàn của người bệnh, mọi chế độ nghỉ phép điều hoãn lại và giải quyết sau Tết”.

(Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu)

 

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN