Uống nhiều rượu nguy cơ rối loạn tâm thần

25/07/2018 - 07:12

BDK - Uống nhiều bia, rượu/ngày và kéo dài liên tục từ 10 - 20 năm sẽ có nguy cơ rối loạn tâm thần. Đó là ý kiến của Ths.BS Lê Thị Thu Hà - Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật chuyên đề “Sức khỏe tâm thần và thực trạng lạm dụng chất gây nghiện” do Bệnh viện Tâm thần tỉnh tổ chức mới đây.

Sử dụng bia, rượu như một hình thức giao lưu là thói quen của nhiều người.  Ảnh: TKTS

Sử dụng bia, rượu như một hình thức giao lưu là thói quen của nhiều người.  Ảnh: TKTS

Ảnh hưởng sức khỏe

Ngày nay, đại bộ phận người dân sử dụng rượu như một hình thức giao lưu, làm ăn và không ít trường hợp lạm dụng rượu và trở thành “ma men” không kiểm soát ý thức và hành vi. Trong số đó, ông T.V.T. (tên nhân vật được đổi) ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri làm nghề thợ mộc. Sau mỗi ngày làm, ông trở về nhà trong bộ dạng say mèm như tẩm hàng lít rượu trên người. Những lúc này, ông lảm nhảm la mắng vợ con, có hôm vợ ông phải trốn khỏi nhà để tránh những pha “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” của ông.

Dù người thân, chính quyền nhắc nhở nhưng tình trạng say xỉn, đập phá đồ đạc của ông T. không thuyên chuyển. Cơ thể của ông ngày càng ốm o, sức khỏe suy kiệt, tinh thần không ổn định. Chân tay ông run và có ảo giác vợ con luôn muốn giết mình, vì thế ông bỏ nhà đi lang thang. Không may trong lần uống say ông T. bị té và mất cách đây khoảng 7 năm.

Rượu được giới y khoa coi là chất tác động tâm thần thuộc nhóm các chất gây yên dịu; hấp thụ và chuyển hóa sau khi uống. Rượu hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và đạt được hàm lượng trong máu cao nhất 30 - 90 phút sau lần uống cuối cùng. Sự chuyển hóa và đào thải của rượu chủ yếu qua gan. Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về bệnh lý tâm thần nhận định, vấn đề lạm dụng bia, rượu đáng báo động là mối nguy hại lớn nhất gây ra bệnh rối loạn tâm thần hiện nay. Việc sử dụng rượu, bia đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dân và cộng đồng. Thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ dân số sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa với tỷ lệ uống rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14 - 17 tuổi) rất cao là 47,5% và trong độ tuổi 18 - 21 là 67%. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực và chất lượng giống nòi.

Nguy cơ rối loạn tâm thần

Theo Ths.Bs Lê Thị Thu Hà, rối loạn tâm thần do rượu chiếm tỷ lệ đáng kể và có xu hướng gia tăng nhanh. Bệnh nhân rối loạn tâm thần xuất hiện ở độ tuổi trung bình trên 20 đến dưới 40 tuổi. Có trên 86% bệnh nhân rối loạn tâm thần bị hoang tưởng, trong suy nghĩ của họ thấy mình bị hại, bị theo dõi, ghen tuông, tự cao…

Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi năm, có hàng trăm bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau do lạm dụng rượu. Cụ thể, năm 2014 có 246 bệnh nhân, năm 2015 có 302 bệnh. Tại địa bàn tỉnh chưa có thống kê về tỷ lệ người sử dụng rượu nhưng thực tế không ít trường hợp hoang tưởng, rối loạn: ý thức, hành vi và giấc ngủ… được thăm khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Kết quả nghiên cứu ở bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trong 331 bệnh nhân thì có 22,7% sử dụng chất gây nghiện và 17,2% đang nghiện chất; trong đó, nghiện rượu nhiều nhất. Những người lạm dụng hoặc nghiện rượu, bia khi có biểu hiện: chân tay run, bồn chồn, vã mồ hôi, khó ngủ; đó là biểu hiện của rối loạn tâm thần. Bệnh có thể điều trị được, với điều kiện bệnh nhân hợp tác và quyết tâm cai nghiện thì tỷ lệ thành công rất cao.

Theo Ths.BS Lê Thị Thu Hà, trung bình thời gian điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần từ 6 - 12 ngày, tùy theo mức độ bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ bệnh tái phát bất cứ lúc nào nếu việc lạm dụng rượu lại tái diễn. “Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân phải kiên trì, đòi hỏi sự hợp tác của gia đình. Điều quan trọng, bệnh nhân ý thức đúng, hiểu được tác hại của rượu và quyết tâm từ bỏ”, Ths.Bs Lê Thị Thu Hà cho hay.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích