Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá

09/10/2018 - 20:46

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Có gần 50% nam giới và 5% nữ thường xuyên hút thuốc và khoảng 47 triệu người đang phải hút thuốc thụ động (không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá).

Trên thế giới, mỗi năm có 7 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Những người hút thuốc lá giảm thọ từ 8 - 23 năm tùy theo từng bệnh và mức độ bệnh. Hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người hút là một sự thật không thể bàn cãi. Nhưng thật bất công khi không trực tiếp sử dụng thuốc lá, nhiều người vẫn chịu ảnh hưởng từ việc hút thuốc lá.

Xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc lá góp phần tạo nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giữ gìn tốt sức khỏe, cải thiện chất lượng không khí. Người làm việc trong môi trường không khói thuốc lá có ít triệu chứng về hô hấp, duy trì lối sống lành mạnh, cải thiện hình ảnh cơ quan. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế giúp giảm chi phí y tế, hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường, chi phí bảo trì bảo hiểm nhà xưởng, tăng năng suất lao động.

Môi trường làm việc không khói thuốc cũng là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Tạo môi trường dễ chịu cho khách và những người tới thăm, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của nhân viên. Đồng thời, giúp người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.

Vì những lý do trên, mọi người hãy chung tay xây dựng môi trường sống, làm việc không khói thuốc lá:

- Niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại.

- Có bảng/biển báo cấm hút thuốc lá khu vực phòng học, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang, các khu vực công cộng và khu vực chức năng khác.

- Có kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

- Đưa nội dung không hút thuốc lá vào tiêu chí bình xét thi đua.

- Không có hiện tượng hút thuốc (thể hiện qua mùi khói thuốc, đầu mẩu thuốc lá, vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn...).

- Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá; nhận sự hỗ trợ, tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá của các đơn vị trực thuộc, bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ triển khai công tác phòng chống tác hại thuốc lá thuộc đơn vị mình quản lý.

- Trường hợp có vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá phải nghiêm túc xử lý theo quy định của ngành, đơn vị. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Để xây dựng môi trường không thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống đến được với mọi người, mọi nhà, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần thiết phải có sự chung tay, góp sức của các ban ngành, đoàn thể và cả cộng đồng.

TTTTGDSK

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích