Cây dừa các tỉnh phía Nam - thực trạng và giải pháp

10/06/2011 - 08:18
Diễn đàn thu hút đông đảo nông dân trồng dừa quan tâm. Ảnh: C.Tr

Chuyên đề: “Cây dừa các tỉnh phía Nam – thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra vào ngày 6-6-2011, tại UBND huyện Chợ Lách. Đây là diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp thứ 3 trong cả nước năm 2011, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.

Về tham dự diễn đàn có các đại biểu của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Tin học và Thống kê – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, Hiệp hội Dừa Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, các trường, đại diện 22 tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp và 200 nông dân tiêu biểu của các tỉnh trồng dừa phía Nam.

Nhận định cây dừa là cây truyền thống, biểu tượng của tỉnh, đồng thời với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây dừa, tỉnh Bến Tre đã có chủ trương khôi phục và phát triển vườn dừa thông qua các biện pháp như thâm canh, đốn tỉa thưa, trồng xen, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa để tăng nguồn hàng xuất khẩu. Liên tiếp những năm gần đây, tình trạng tranh mua dừa xuất khẩu sang nước ngoài đã gây ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong khu vực. Điều này cho thấy, hiện cây dừa đã có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trong khu vực. Theo số liệu thống kê, Bến Tre là tỉnh có diện tích vườn dừa lớn nhất nước, với khoảng 52.000ha, kế đến là Trà Vinh có trên 14.000ha. Trong đó, cây dừa dưới 10 năm tuổi: chiếm 32%, cây dừa đang cho thu hoạch từ 10 đến 60 năm tuổi: chiếm 58%, cây dừa trên 60 năm tuổi: chiếm 10%.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2010, sản lượng dừa trái cả nước đạt trên 818.000 trái, ước năm 2011 là 825.000 trái. Trong đó, ước khoảng 15% số trái dừa được tiêu thụ trong gia đình dưới các hình thức như nấu ăn, uống nước dừa tươi…, 20% dành cho xuất khẩu dưới dạng dừa lột vỏ, 65% được chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, dầu dừa…

Để ngành công nghiệp dừa Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, Hiệp hội Dừa Việt Nam đề xuất mục tiêu phát triển dừa đến năm 2015 đạt 180.000ha với sản lượng hơn 1 tỷ trái (tương đương 10.000 tỷ đồng giá trị trước chế biến tính theo thời điểm giá tháng 5-2011: 10.000 đồng/trái), năm 2020 đạt 250.000ha với sản lượng 1,4 tỷ trái (tương đương 14.000 tỷ đồng). Về dài hạn, phát triển cây dừa Việt Nam đạt diện tích ổn định 300.000ha với sản lượng 1,7 - 2 tỷ trái, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long để cây dừa thực sự trở thành cây công nghiệp của khu vực, đảm bảo nguyên liệu ổn định và lâu dài cho ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam.

Cũng theo Hiệp hội, để phát triển cây dừa với năng suất cao, nông dân cần tận dụng đất thổ cư, đất vườn để trồng dừa theo hình thức phân tán và bán tập trung, kết hợp với trồng xen; đối với những vùng bị mặn xâm nhập chuyển dần từ trồng lúa sang trồng dừa với hình thức thích hợp như lên mô ụ; các vườn dừa có năng suất thấp cần được thay thế bằng các giống cho năng suất cao đã được Nhà nước cho phép; xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất và phân phối cây dừa giống đủ tiêu chuẩn, hạn chế việc kinh doanh dừa giống không rõ nguồn gốc; phòng trừ sâu bệnh hại dừa đặc biệt là bọ cánh cứng, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cây dừa thông qua chương trình khuyến nông; gắn kết chương trình trồng dừa với chương trình nông thôn mới, bảo vệ môi trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, gia tăng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu; thành lập sàn giao dịch nguồn nguyên liệu dừa; thành lập Quỹ bình ổn nguồn nguyên liệu dừa.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, để trái dừa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và tăng khả năng cạnh tranh với thị trường thế giới, Việt Nam cần sản xuất dừa theo quy trình GAP. Và một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo giá bình ổn là sản xuất có quy hoạch.

 Diễn đàn về chuyên đề cây dừa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người trồng dừa. Tại đây, các chuyên gia cũng đã giải đáp 20 câu hỏi của nông dân trồng dừa tại Bến Tre và các tỉnh Nam bộ, tập trung các vấn đề về giống dừa, giá cả, kỹ thuật trồng, chăm sóc, những ứng phó trước biến đổi khí hậu. Qua đó, hầu hết nông dân rất yên tâm về loại cây trồng này trong tương lai trước những điều kiện khắc nghiệt của tình hình biến đổi khí hậu, với khả năng chịu độ mặn lên đến 10 phần ngàn.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN