Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng

30/09/2008 - 07:38

Tận dụng thế mạnh du lịch để nâng cao mức sống người dân.

Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ 9, nhiệm kỳ 2005-2010 xác định: “Phát huy trí tuệ, nêu cao truyền thống, tạo chuyển biến đột phá về phát triển công nghiệp- dịch vụ và huy động mọi nguồn lực để làm động lực chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế”. Sau hơn 2 năm thực hiện phương châm trên, Châu Thành đã tăng trưởng kinh tế khá tốt, đạt cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết và đang trong xu hướng phát triển nhanh, toàn diện hơn.

Từ năm 2006, huyện đã xây dựng các chương trình, dự án cụ thể trên từng lĩnh vực để tập trung triển khai. Điều đáng phấn khởi là huyện đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu so với kế hoạch nửa nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân 14,3%/năm, đạt 110% so nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2007 là 10,1 triệu đồng/người/năm (đầu nhiệm kỳ 7 triệu). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, trong đó chủ yếu là kinh tế thủy sản, kinh tế vườn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - ngư nghiệp ước cuối năm 2008 là 6,8%, đạt 91,6% so nghị quyết. Diện tích cây ăn trái hiện có 9.398 ha, đạt 94%. Có 2.100 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa, đạt 70,23%; 968 ha bưởi da xanh, đạt 88%. Kết quả trên cho thấy kinh tế phát triển nhanh, tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ trong GDP tăng lên đáng kể. Đến cuối năm 2007, tỷ trọng nông- ngư còn 52,57% (nghị quyết 37%), công nghiệp -xây dựng tăng 23,27%, thương mại-dịch vụ tăng 24,16%. Nếu so cuối năm 2005, nông-ngư nghiệp giảm 4,73%, công nghiệp-xây dựng tăng 2,74%, thương mại-dịch vụ tăng 1,99%. Nhờ vậy, cơ cấu lao động thay đổi theo hướng tích cực. Lao động nông nghiệp chiếm 61,23%, giảm 7%, công nghiệp-xây dựng chiếm 19%, tăng 10,65%, thương mại- dịch vụ chiếm 19,77%, tăng 4,48%. Nổi bật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nông nghiệp phát triển toàn diện, chất lượng hàng hóa nâng lên. Tiềm năng nông nghiệp được tổ chức khai thác tốt hơn qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới như thâm canh, giống mới, cải tạo vườn tạp, các chương trình trồng xen, nuôi xen. Sản lượng cây ăn trái hàng năm đạt bình quân 112.225 tấn, trồng 2.170 ha ca cao, 1.396 ha măng cụt xen trong vườn dừa. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển biến khá mạnh theo hướng CNH-HĐH. Nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp ra đời như Cụm Công nghiệp An Hiệp, Khu Công nghiệp Giao Long cùng nhiều nhà máy chế biến, gia công khác. Thành công lớn là thu hút nhiều nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 98,13 triệu USD, 1.006 tỷ VNĐ. Hiện đã thực hiện 13,64 triệu USD, 93,76 tỷ VNĐ. Đặc biệt, đã giải quyết việc làm cho 2.279 lao động và khoảng 10.000 lao động phi nông nghiệp tham gia sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp. Các làng nghề cũng được chú trọng đầu tư, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu. Nguồn vốn đầu tư cũng được huy động khá lớn, từ năm 2006 đến nay đầu tư khoảng 2.597 triệu đồng, chiếm 49% GDP, mức tăng trưởng bình quân 17%/năm.Trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước chiếm 38,84%, còn lại là các doanh nghiệp, dân doanh chiếm 60,24%. Một số công trình quan trọng đã đưa vào sử dụng: QL.60 mới, cảng sông Giao Long, kè sông Giao Hòa, Khu Công nghiệp Giao Long, Cụm Công nghiệp An Hiệp. Ngoài Nhà nước đầu tư, phong trào xây dựng giao thông nông thôn do nhân dân đóng góp khá lớn; đã xây dựng 210 km lộ, trong đó có 56,27 km lộ nhựa, bê-tông, sửa chữa và xây dựng 127 cầu với tổng chiều dài 1.937m, tổng kinh phí xây dựng trên 16 tỷ đồng.

Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, huyện tiếp tục mở hướng đột phá trong kinh tế, tập trung đẩy mạnh công nghiệp gắn với nông nghiệp toàn diện; đồng thời phát triển nhanh thương mại dịch vụ, du lịch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp- thương mại dịch vụ và công nghiệp từ đầu nhiệm kỳ sang nông nghiệp toàn diện-công nghiệp- thương mại dịch vụ vào năm 2010, công nghiệp- thương mại dịch vụ và nông nghiệp kỹ thuật cao vào năm 2015. Để giải quyết bức xúc nầy, huyện cần phải tập trung thực hiện tốt các nguồn đầu tư phát triển; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp song song với vận động, phát huy tốt nội lực, nhất là vốn, sức lao động.

Bài, ảnh: Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN