Có chiếm dụng vốn khi giải ngân các khoản vay của sinh viên qua thẻ ATM?

19/09/2010 - 16:55

Trong thời gian gần đây, dư luận trong tỉnh có một số thông tin, cho rằng Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Bến Tre giải ngân các khoản vay của học sinh, sinh viên qua thẻ ATM là một hình thức chiếm dụng vốn?

Về vấn đề này, ngày 17-9-2010, chúng tôi có cuộc trao đổi với Ban Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Bến Tre và được biết: Trước đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ sinh viên vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp tại các hộ gia đình sinh viên và giao nhận tiền mặt. Tuy nhiên, để tiện việc sử dụng cho sinh viên, gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Bến Tre đã ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre mở thẻ ATM cho sinh viên (miễn phí) khi vay vốn. Mục đích giải ngân các khoản vay của học sinh, sinh viên qua thẻ là để hỗ trợ cho gia đình sinh viên khi chuyển tiền vay hoặc chuyển tiền vào thẻ cho sinh viên đi học ở xa sử dụng không phải chịu phí. Đồng thời, sinh viên không phải bảo quản, cất giữ tiền mặt trong thời gian dài, vừa an toàn, vừa tiện lợi và được hưởng lãi trên số dư của tài khoản thẻ. Qui trình cho vay bằng tiền mặt hay chuyển qua thẻ đều thực hiện theo Văn bản 2164/NHCS-TD, ngày 2-10-2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về hướng dẫn cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007, ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Khi đã giải ngân (chuyển tiền vào thẻ), việc rút tiền để sử dụng vào mục đích học tập vào lúc nào là hoàn toàn do sinh viên chủ động thực hiện, không có ý kiến nào khác từ phía ngân hàng. Như vậy, việc giải ngân qua thẻ là vì lợi ích của sinh viên và gia đình sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên hoàn toàn không chiếm dụng vốn của học sinh, sinh viên khi giải ngân qua thẻ.
Hiện nay, mỗi sinh viên được vay tối đa mỗi năm 8,6 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phát hành 15.926 thẻ ATM, với tổng số tiền 79,023 tỷ đồng; Tồng dư nợ hiện trên 293 tỷ đồng, với 20.713 hộ vay. 

 Chính sách cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,58% năm 2008 xuống còn 10,15% cuối năm 2009, giảm 1,43%, với số hộ thoát nghèo bền vững bình xét mỗi năm là 4.776 hộ. Với 19.578 hộ nghèo được xét cho vay năm 2009 đã đưa số nghèo đủ điều kiện vay đạt 100% số hộ, trong đó hộ chính sách nghèo đạt 80%.
Năm 2010, Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu tăng trưởng tín dụng của chi nhánh đạt tỷ lệ 38%, bao gồm các chương trình tín dụng: cho vay hộ nghèo tăng 14%; cho vay học sinh, sinh viên tăng 63%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 31%; cho vay xuất khẩu lao động tăng 100%; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tăng 47%; giải quyết việc làm tăng 20%.
                                                                                                           NH

  
          

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN