272 hộ thoát nghèo trong năm 2017

13/10/2017 - 13:24
Mô hình kiểng lá của bà Đặng Thị Mai ở xã Vĩnh Hòa đang cho thu hoạch.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án đa dạng sinh kế và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo huyện Chợ Lách giai đoạn 2016 - 2020 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của người nghèo ra đời và phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo.

 

Điển hình như mô hình “Phụ nữ Chợ Lách tích cực, tự tin khởi nghiệp, làm giàu, thoát nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, mô hình “5+1” của Hội Cựu chiến binh và phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên. Qua đó, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh nhận hỗ trợ 930 hội viên, đoàn viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo bằng hình thức xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả từ các nguồn quỹ xoay vòng, quỹ tương trợ của hội. Đến nay, toàn huyện ghi nhận có 125 hộ làm ăn hiệu quả và đã được công nhận thoát nghèo.

Chị Trần Thị Thùy Dung ở xã Long Thới cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế thoát nghèo. Sau đó được các chị hướng dẫn làm hồ sơ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất cây giống. Tôi sử dụng số vốn này đầu tư cải tạo 300m2 đất để sản xuất cây mít con. Vụ đầu tiên, gia đình tôi đã bán được 3.500 cây, sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi còn lợi gần 20 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, thông qua kết quả hội nghị họp mặt người nghèo ở các xã, thị trấn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét hỗ trợ cho 52 hộ vay vốn sản xuất cây giống, hoa kiểng và chăn nuôi với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Giải ngân 325 triệu đồng hỗ trợ 13 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, huyện được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ mô hình trồng nấm bào ngư, xây dựng mô hình chăn nuôi, đan bội kẽm và sản xuất cây nguyên liệu, cây giống, hoa kiểng cho gần 60 hộ nghèo, cận nghèo ở 2 xã Hòa Nghĩa và Long Thới, với tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 800 triệu đồng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, huyện tổ chức 12 lớp dạy nghề cho 335 học viên là hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.300 lao động, trong đó có hơn 520 trường hợp thuộc diện gia đình nghèo và cận nghèo; hỗ trợ 4 gia đình nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Nhìn chung, các hộ nghèo sau khi được đào tạo, giới thiệu việc làm đã có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

Bà Đặng Thị Mai ở xã Vĩnh Hòa chia sẻ: “Năm 2016, tôi được địa phương giới thiệu tham gia học nghề sản xuất kiểng lá theo Đề án phát triển đa dạng sinh kế và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo. Sau khi học nghề, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình. Tận dụng gần 1.500m2 đất xung quanh nhà để trồng trúc bách hợp và trúc đốm bán lá. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 4.000 cây trúc bách hợp và 3.000 chậu trúc đốm đang cho thu hoạch, trung mỗi tháng bán được gần 2.000 đọt trúc bách hợp, giá bán từ 1.200 - 1.500 đồng/đọt và 1.500 đọt trúc đốm, giá bán từ 400 - 500 đồng/đọt. Năm 2017, tôi thuê 1.500m2 đất của một hộ trong ấp để mở rộng sản xuất”.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Đề án phát triển đa dạng sinh kế và chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo bền vững đã góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo, góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới Chợ Lách vào năm 2020.

Ông Trần Ngọc Năm - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Lách cho biết: “Cuối năm 2016, huyện có 2.463 hộ nghèo, 1.652 hộ cận nghèo. Qua quá trình triển khai thực hiện và rà soát, có khoảng 1.200 hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, huyện có 985 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia và dự kiến cuối năm 2017 có 272 hộ đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo”.

 

Bài, ảnh: Cao Khiết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN