Doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0

05/02/2018 - 14:55

BDK.VN - “Năm 2018, cả nước sẽ tập trung đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0)”

Vườn dưa lưới công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Ảnh: Cẩm Trúc

Vườn dưa lưới công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Ảnh: Cẩm Trúc

“Năm 2018, cả nước sẽ tập trung đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0)” - là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong dịp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Đây vừa là mục tiêu hành động trong năm mới và cũng là xu thế tất yếu để nước ta hội nhập và sánh vai.

Nhìn lại Bến Tre, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh tiếp cận công nghệ 4.0 bước đầu có kết quả, thể hiện nổi bật trong ngành chế biến dừa, sản xuất nông nghiệp.

Tạo đột phá về tăng trưởng

Nếu cách đây 5 năm, toàn bộ các nhà máy chế biến dừa trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất một mặt hàng chủ yếu là cơm dừa sấy thì gần đây các DN dẫn đầu trong ngành dừa (Betrimex, Lương Quới, Thế giới Việt…) đã và đang tập trung vào chuyển đổi, cải tiến công nghệ. Những sản phẩm cuối cùng được tạo ra và đưa đến tay người tiêu dùng của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: nước dừa đóng hộp, sữa dừa đóng lon.

Điển hình là Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành) đã được tỉnh đề xuất đến trung ương hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất dầu dừa tiên tiến hàng đầu trên thế giới (của Công ty GEA-Đức) để thay thế cho công nghệ cũ, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn và giao Viện Ứng dụng công nghệ hỗ trợ Công ty đổi mới công nghệ sản xuất dầu dừa (VCO) với các yêu cầu như sản xuất từ dừa tươi (không theo công nghệ cũ là ép từ cơm dừa khô), đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và châu Âu, có năng suất cao hơn với 5 triệu lít VCO/năm.

“Trong xu thế phát triển và hội nhập, nếu DN không chịu đổi mới thì chẳng khác tự đào thải mình”, ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty chia sẻ. Việc ứng dụng công nghệ mới còn giúp nâng giá xuất khẩu, với 5.000 đô la/tấn (sản xuất theo công nghệ cũ là 4.000 đô la/tấn). Nguồn lợi về kinh tế cho DN tăng dự tính khoảng 95 tỷ đồng/năm. Cũng với sản phẩm này, bình quân mỗi năm công ty tiêu thụ 75 triệu trái dừa (chiếm 13% tổng sản lượng dừa toàn tỉnh), góp phần tiêu thụ ổn định dừa trái cho nông dân tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Cao Thọ - Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sự phát triển các sản phẩm KH&CN đã góp phần nâng giá trị của sản phẩm, dịch vụ KH&CN năm 2017 đạt trên 310 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Phú An Khang đã tiên phong nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Đây là cơ sở để các DN tiếp tục hoàn thành việc ươm tạo, làm chủ công nghệ để được chứng nhận DN KH&CN trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

DN có nhiều cơ hội tiếp cận CM 4.0

Toàn tỉnh hiện có 2 DN được chứng nhận DN KH&CN, gồm Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới và Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, với 8 nhóm sản phẩm như: nước cốt dừa đóng lon (sữa dừa đóng lon), nước dừa đóng lon, dầu dừa nguyên chất ép lạnh, mặt nạ dừa... Hiệu quả bước đầu sẽ giúp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, giúp tạo giá trị gia tăng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sản phẩm KH&CN của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới mở rộng tiêu thụ ở thị trường ngoài nước. Ảnh: Cẩm Trúc

Sản phẩm KH&CN của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới mở rộng tiêu thụ ở thị trường ngoài nước. Ảnh: Cẩm Trúc

Ông Huỳnh Cao Thọ cho biết, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ ươm tạo và thành lập các DN KH&CN, phát triển các tổ chức KH&CN. Trước mắt, sở tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện có, thực hiện các nội dung hỗ trợ thuộc kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2018 - 2020; mở rộng đối tượng, ngành nghề hỗ trợ theo dự án năng suất chất lượng, trong đó, ưu tiên hỗ trợ DN khởi nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà. Đồng thời, sở sẽ nghiên cứu tiếp tục cụ thể hóa hỗ trợ DN theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CM 4.0, sở sẽ triển khai các hoạt động phối hợp giữa Tỉnh ủy và Hội Tự động hóa Việt Nam trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, chống sạt lở; tiết kiệm năng lượng; xử lý chất thải; công nghệ sản xuất phân bón chuyên cho cây dừa; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; phát triển du lịch sinh thái bền vững; xây dựng thành phố thông minh; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bằng công nghệ nano ứng dụng trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày (như xử lý môi trường, sản xuất vật liệu, các chế phẩm sinh học…).

Về đối tượng của chính sách KH&CN, Bộ chia DN thành 4 nhóm đối tượng để hỗ trợ như nhóm những DN quy mô lớn, nhóm các DN KH&CN, DN công nghệ cao, nhóm DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhóm DN vừa và nhỏ. Đối với những DN có quy mô lớn, đi đầu, dẫn dắt những DN vệ tinh DN phụ trợ, DN khởi nghiệp, chính sách tập trung vào khuyến khích tiếp cận chuyển giao công nghệ hàng đầu, khuyến khích các hoạt động đầu tư, dành nguồn lực từ quỹ phát triển công nghệ của DN cho các hoạt động chuyển giao đổi mới công nghệ, tiến tới nghiên cứu và phát triển công nghệ dẫn đầu.

Bến Tre hiện có khoảng 3.800 DN, trong đó DN vừa và nhỏ chiếm 95%. Bên cạnh đầu tư phát triển các DN có quy mô lớn trở thành DN dẫn đầu, dẫn dắt cộng đồng DN, DN khởi nghiệp thì DN vừa và nhỏ là đối tượng được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển quy mô, theo chiều sâu, với sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn thị trường các nước, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngày nay, hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới đã được thương mại hóa. DN có thể chuyển giao ứng dụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu DN gặp khó khăn về vốn, nhất là DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận, chuyển giao và sở hữu công nghệ thông qua các chính sách KH&CN của Trung ương và địa phương.

Tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2017, tại Bến Tre với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”, vào cuối tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết: Hiện nay, bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh ứng dụng đổi mới và phát triển công nghệ để tận dụng hết các phụ phẩm từ dừa; tạo lập và quản lý chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho quả dừa của tỉnh, nghiên cứu tuyển chọn giống dừa có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ phát triển sản xuất dừa hàng hóa, công nghệ chế biến và đóng gói Tetra Pak cho sản phẩm nước dừa với năng suất 4.000 lít/giờ, nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao từ cây dừa (sữa dừa và bột sữa dừa), nghiên cứu hoàn thiện dây chuyển sơ chế nguyên liệu từ dừa, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tháp cao để sản xuất phân bón phức hợp vô cơ NPK hàm lượng dinh dưỡng cao, công suất 15 tấn/giờ từ dừa.

Cẩm Trúc

Cẩm Trúc

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết
Từ khóa công nghệ 4.0

BÌNH LUẬN