Hội thảo Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp - WANA lần thứ 6

07/05/2018 - 19:03

BDK.VN - Ngày 7-5-2018, tại Khách sạn Việt Úc, Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức Hội thảo Ứng dụng Công nghệ Nano trong nông nghiệp (WANA) lần thứ 6 năm 2018.

PGS.TS Đặng Mậu Chiến - Viện trưởng Viện Công nghệ Nano (đứng giữa) giới thiệu hệ thống cảm biến Nano với Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam (bên trái).

PGS.TS Đặng Mậu Chiến - Viện trưởng Viện Công nghệ Nano (đứng giữa) giới thiệu hệ thống cảm biến Nano với Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam (bên trái).

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, đại diện các sở, ngành, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện cùng hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham dự.

Tại hội thảo, PGS.TS Yusuke Shiratori (Đại học Kyushu) thông tin kết quả bước đầu của Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là dự án thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững (SATREPS) do Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đồng tài trợ, Viện Công nghệ Nano chủ trì, được thực hiện trong 5 năm (2015-2020). Mô hình thực nghiệm dự án được lắp đặt tại trại nuôi tôm của Công ty TNHH Hoàng Vũ (xã Bình Thới, huyện Bình Đại) từ tháng 2-2017, bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực.

Các nhà khoa học cũng giới thiệu hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn, hệ thống cảm biến Nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy sản. Trong quý I-2018, Viện đã tài trợ lắp đặt, chuyển giao và đưa vào khai thác sử dụng 2 trạm quan trắc độ mặn tự động tại 2 xã Phú Sơn và Vĩnh Thành (Chợ Lách). Hệ thống này sau khi lắp đặt, hoạt động 24/24 giờ, cập nhật liên tục độ mặn của nước trên các kênh rạch. Đặc biệt, hệ thống có khả năng kết nối không dây đến điện thoại di động, máy tính để cảnh báo độ mặn khi vượt ngưỡng. Hai trạm quan trắc có ý nghĩa quan trọng trong cảnh báo xâm nhập mặn cho vùng chuyên sản xuất cây giống chính của tỉnh.

Tại hội thảo, Viện cũng đã trao tặng hệ thống cảm biến Nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản cho Công ty TNHH Hoàng Vũ. Hệ thống cảm biến được thiết kế ở dạng cầm tay, gọn nhẹ, di chuyển dễ dàng, tích hợp nhiều đầu dò cảm biến, đo nhiều thông số tại ao nuôi, đáp ứng nhu cầu nuôi thủy hải sản (tôm, cá). Thiết bị có khả năng truyền và lưu trữ dữ liệu lên web server, gửi tin nhắn cảnh báo vào điện thoại di động nếu thông số đo vượt ngưỡng.

Dịp này, các đại biểu đến tham quan Phòng thí nghiệm trình diễn Dự án JICA của Viện Công nghệ Nano tại trại nuôi tôm của Công ty Hoàng Vũ.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN