Nguồn lực và cơ chế liên kết vùng ở góc độ địa phương, khả năng cân đối vốn địa phương cho phát triển

27/09/2017 - 09:28
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (bìa trái) trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: CTV

LTS: Nằm trong chương trình Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) (tổ chức tại TP. Cần Thơ), chiều 26-9-2017, trong phiên thảo luận chuyên đề “Cơ chế huy động, phân bổ, quản lý để nâng cao hiệu quản sử dụng nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL, thích ứng với BĐKH”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Nguồn lực và cơ chế liên kết vùng ở góc độ địa phương, khả năng cân đối vốn địa phương cho phát triển”. Báo Đồng Khởi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

 

 

Là một tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, với thế mạnh kinh tế mũi nhọn là kinh tế vườn và thủy sản dựa trên tiềm năng đất và nước phân thành hai vùng mặn và ngọt. So với phần lớn các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Bến Tre là địa phương có nguồn lực kinh tế rất thấp, nhất là khoản thu ngân sách (bình quân tổng thu ngân sách hàng năm giai đoạn 2010 - 2015 chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng). Đồng thời, Bến Tre là địa phương hưởng trợ cấp rất lớn từ ngân sách Trung ương, mỗi năm (trong giai đoạn 2010 - 2015) ngân sách tỉnh chỉ có khả năng cân đối được khoảng 30 - 35% kinh phí phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh. Tỷ lệ này đạt rất thấp trong tổng thể chung của khu vực. Nhưng bù lại, Bến Tre là tỉnh có nguồn nhân lực rất dồi dào, trẻ, năng động, sáng tạo, được rất nhiều nhà đầu tư đánh giá và đang trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% dân số, tuy nhiên chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp, nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ trọng rất ít nên tỉnh đã tập trung khai thác theo khía cạnh tạo công ăn việc làm để tích lũy vốn cho gia đình và xã hội thông qua chương trình xuất khẩu lao động, xúc tiến việc làm để giới thiệu và tạo việc làm ra ngoài tỉnh. Tài nguyên thiên nhiên của tỉnh thì đa dạng, phong phú chủng loại giống loài, nhưng số lượng khai thác thì không nhiều và giá trị nguồn tài nguyên không lớn lắm nên việc khai thác nguồn lực này thường thiếu ổn định. Kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư, nhưng chỉ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa trong giai đoạn hiện nay, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước…

Sự phát triển của tỉnh hiện nay đang đối mặt với tính tự phát, phân tán, manh mún của cư dân. Với tâm lý của một vùng dân cư ốc đảo nên sau khi cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động thay thế những chuyến phà hàng ngày, nhịp sống hối hả đã thôi thúc người dân Bến Tre muốn vươn lên làm giàu nhanh chóng trên mảnh đất của mình nên nhà nhà, người người dồn mọi nguồn lực cho sản xuất nhưng không quan tâm đến thị trường (thấy ai làm gì thành công là ào ạt làm theo; thấy địa phương nào có mô hình thành công thì dồn sức thực hiện cho lớn hơn và nhanh hơn, gần như không quan tâm gì đến sự hợp tác để chia sẻ cơ hội và giảm áp lực rủi ro trong sản xuất; cũng như chưa có sự kết nối để hỗ trợ, góp sức cùng nhau trong phát triển, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và lợi thế của từng địa phương, nên đã xảy ra tình trạng sản xuất manh mún, cục bộ… với biểu hiện “mạnh ai nấy làm”. Chính những hạn chế đó đã dẫn đến rào cản cho sự liên kết trong sản xuất.

---

Với nguồn lực hạn chế và còn nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách, chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Bến Tre và các địa phương khác trong vùng. Từ thực tế trước những rào cản trong phát triển sản xuất của tỉnh, Bến Tre đã nhận thấy, trong điều kiện hiện nay, mỗi gia đình, mỗi địa phương không thiết lập được mối liên kết thì sẽ không thể phát triển bền vững được. Liên kết sản xuất đã trở thành một nhu cầu tất yếu để giúp cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương và của toàn vùng hiệu quả hơn. Bởi vì, sự liên kết, ở phương diện nào đó sẽ tạo ra một lợi thế về quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh của từng địa bàn một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, tăng cường liên kết sẽ góp phần hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trên cùng một địa bàn, cũng như có thể suy rộng ra, liên kết sẽ tạo được sự phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với BĐKH… góp phần ổn định và phát triển kinh tế bền vững cho từng tỉnh, thành và cho toàn vùng.

Hiện nay, phần lớn các địa phương trong khu vực đều có quyết tâm và nhu cầu liên kết, hợp tác. Theo tôi, đây là yếu tố rất quan trọng và quyết định để thực hiện thành công các mối liên kết trong thời gian tới. Nhìn từ góc độ thực tiễn và khoa học, liên kết là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên muốn liên kết thành công phải có cơ chế phù hợp. Dưới góc độ địa phương, Bến Tre đề xuất cơ chế liên kết vùng tại khu vực ĐBSCL nên thực hiện theo cơ chế liên kết ngang - dọc đan xen. Trong đó, liên kết ngang sẽ tạo được mối liên hệ, kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng theo địa bàn lãnh thổ và liên kết dọc sẽ được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở xây dựng kết cấu hạ tầng chung cho vùng do các bộ, ngành Trung ương trực tiếp tập trung thực hiện để hạn chế sự đầu tư cục bộ theo từng địa phương. Đồng thời, thu hút đầu tư phải được nhìn nhận và thực hiện trên góc độ toàn vùng, toàn diện và vì sự phát triển chung của cả khu vực chứ không thể dựa trên sự tranh thủ của địa phương đối với Chính phủ và các bộ, ngành, điều này trên góc độ của địa phương, Bến Tre đã chịu sự chi phối của các địa bàn, mạnh ai nấy đề nghị, nguồn lực đầu tư phân tán và hậu quả là hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, nước phát triển phủ khắp nhưng không phát huy hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt của dân cư.

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL, theo góc nhìn của tỉnh Bến Tre, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải có một “Nhạc trưởng” hoặc một tổ chức có đủ thực quyền để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế điều phối các hoạt động trong liên kết vùng; cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện hoạt động liên kết, đảm bảo hiệu quả; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ liên kết.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn lực của các tỉnh trong khu vực nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng rất hạn chế, hầu hết các tỉnh trong vùng đều hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương, nên chưa có khả năng cân đối để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, bức xúc phục vụ đầu tư phát triển cho địa phương và cho vùng. Vì vậy, giải pháp tối ưu trước mắt mà các tỉnh trong vùng đề xuất Trung ương là kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí cân đối nguồn vốn chung của quốc gia để hỗ trợ một phần cho đầu tư của vùng, nhằm tạo động lực phát triển cho các địa phương; các tỉnh, thành trong khu vực cân đối nguồn lực để tham gia một phần theo cơ cấu phù hợp; phần còn lại đề xuất thực hiện vay ưu đãi từ các nguồn vốn vay hợp pháp khác và tăng cường thu hút đầu tư. Với trách nhiệm quản lý theo địa bàn, các tỉnh, thành trong khu vực sẽ đẩy mạnh hợp tác, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực từ xã hội để cùng góp sức chung cho vùng.

Liên quan nội dung này, tỉnh Bến Tre cũng thông tin thêm về những lĩnh vực  tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư để tạo năng lực phát triển mới. Đó là đẩy mạnh mời gọi đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như: xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các dự án điện gió, điện mặt trời; chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa, trái cây, thủy sản; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; xây dựng chợ, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư; đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển); phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng; tập trung thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp; đầu tư các trường mầm non, mẫu giáo; đào tạo lao động có chất lượng, với trình độ tay nghề cao để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước… Ngoài ra, để thực thực hiện có hiệu quả cơ chế và các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL, Bến Tre đề xuất một số nội dung như sau:

Một là, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, FDI, vốn ODA. Đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước… góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn vùng.

Hai là, để thực hiện liên kết vùng ĐBSCL được bền vững, cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cũng như sự chung tay và có trách nhiệm của các địa phương.

Ba là, các địa phương cần xóa bỏ quan điểm cục bộ địa phương, tư duy “một mình một chợ” trong phát triển, đồng thời không phát triển theo địa giới hành chính của từng địa phương mà phải có sự liên kết ngay trong xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của các địa phương.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về mục đích, yêu cầu, nội dung, quan điểm của liên kết vùng để nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, loại dần tư tưởng đầu tư phát triển ở mỗi địa phương.

Năm là, thực hiện liên kết theo hướng lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, sản phẩm mũi nhọn dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo ra quy mô kinh tế gắn với không gian về thị trường, trong đó lấy việc phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để cung cấp cho các nhà máy chế biến hay chí ít cũng phải hình thành được những vùng nông sản hàng hóa tập trung để thỏa mãn theo nhu cầu thị trường.

Sáu là, sớm thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng ĐBSCL tạo thành một hệ thống thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng có nhu cầu quan tâm đến các lĩnh vực, nội dung có liên quan đến cơ chế, chính sách, các thông tin cơ bản đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Bảy là, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho nông dân và phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, trong đó quan tâm sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường cao đẳng, trung cấp của các tỉnh, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động trong khu vực và cung ứng cho các tỉnh, thành khác trong cả nước; phối hợp, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Đào tạo đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre...; thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học, các viện và các trung tâm đào tạo có uy tín…

---

Mặc dù, ĐBSCL được xác định là khu vực có lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp cao nhất cả nước, nhưng tiềm năng, thế mạnh này chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Vấn đề này được nhìn nhận từ khá lâu, tuy nhiên đây được xem là bài toán khó giải quyết cho các cơ quan quản lý cũng như những người dân trực tiếp sinh sống, thụ hưởng lợi ích từ địa bàn này. Vì vậy, để thực có hiệu quả việc liên kết vùng ĐBSCL một cách hiệu quả thì chính sách sử dụng nguồn lực, chính sách đầu tư hợp lý để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư phát triển, trong đó, phải tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi tạo sự kết nối liên hoàn trong khu vực, thúc đẩy quá trình giao thương, vận chuyển hàng hóa và đi lại được dễ dàng và thuận lợi. 

 

C.V.T

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN