Phát triển công nghiệp của tỉnh chưa đạt mục tiêu (kỳ 1)

27/03/2020 - 07:19

BDK - Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trên lĩnh vực phát triển công nghiệp (CN) đã đặt ra nhiều mục tiêu, kỳ vọng mang tính chiến lược để đột phá nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn này. Qua thực hiện, CN tỉnh nhà có những bước tiến rất quan trọng mặc dù mục tiêu đặt ra chưa đạt như mong đợi, bởi còn nhiều bất cập từ thực tế.

Đoàn khảo sát tỉnh tại Cụm công nghiệp Long Phước, xã An Phước, huyện Châu Thành. Ảnh: H.Hiệp

Đoàn khảo sát tỉnh tại Cụm công nghiệp Long Phước, xã An Phước, huyện Châu Thành. Ảnh: H.Hiệp

Nhiều mục tiêu chưa đạt

Đánh giá về công tác triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, từng địa phương có cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Tuy nhiên, còn thiếu sự quan tâm, chưa sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở. Kế hoạch, chương trình hành động chỉ mang tính lồng ghép trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chưa thật sự cụ thể, mặc dù UBND tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết bằng 1 đề án tại Quyết định số 1896 và có tầm nhìn phát triển lĩnh vực này tới năm 2030.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu cho biết: Đây sẽ là một nội dung rất quan trọng đối với tỉnh, là “cái nhìn” tổng quát, cụ thể, rõ ràng hơn để giúp tỉnh có chương trình hành động cụ thể hơn; có giải pháp mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ tới nhằm thúc đẩy CN tỉnh phát triển đúng mục tiêu, tiềm năng và thế mạnh là phát triển CN gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tạo giá trị tăng thêm để vực dậy nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Trong giá trị sản xuất CN - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) giai đoạn 2016 - 2019, ngành chuyên môn cho rằng, sức tăng trưởng bình quân đạt thấp hơn so với mục tiêu Đề án là 2,34% (đạt 12,16%/năm, Đề án đặt ra là 14,5%). Giá trị tăng thêm của ngành CN trong giai đoạn này chỉ đạt ở 9,77%, thấp hơn mục tiêu đề ra là hơn 4% (theo Đề án là 13,8%). Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm CN - TTCN của tỉnh trong cả giai đoạn chỉ đạt gần 4.000 triệu USD (mục tiêu đề ra là 5.485 triệu USD).

Còn nhiều bất cập

Nhiều năm qua, mặc dù tỉnh đã rất tập trung và có sự quan tâm sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi sát tình hình, ưu tiên lựa chọn, kích cầu và ưu đãi trong việc mời gọi, thu hút đầu tư vào CN như: tập trung nguồn lực cho sự phát triển nhanh về kết cấu hạ tầng cùng với những quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN); củng cố, duy trì sự phát triển các làng nghề, vấn đề về điện, nước, vùng nguyên liệu gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các giải pháp về công nghệ, khuyến công và tổ chức lại sản xuất; về đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, về chính sách ưu đãi, xúc tiến thương mại, về cải thiện môi trường đầu tư và sự ưu tiên trong các dự án của các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI trên lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt là Tỉnh ủy đã phát động Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp với sự hưởng ứng mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là giới trẻ tỉnh nhà với nhiều ý tưởng, hành động cụ thể để phát triển, khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương.

Toàn tỉnh hiện có 2 khu CN lớn là Giao Long và An Hiệp, với diện tích hơn 172ha và đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 99%, có 51 dự án đầu tư trên các lĩnh vực, ngành nghề như: chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, cơ khí, điện tử… với tổng đầu tư đăng ký hơn 14.694 tỷ đồng (tỷ suất đầu tư vốn đăng ký tại các khu CN hiện nay là 80 tỷ đồng/ha).

Về CCN, có 10 cụm với tổng diện tích hơn 347ha, có 25 dự án đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng. Theo đánh giá và những kiến nghị từ thực tế với những khó khăn, nhiều ngành chức năng và địa phương đã thừa nhận, các CCN hiện nay chưa thật sự thu hút được nhà đầu tư, tốc độ phát triển rất chậm so với tỷ lệ lấp đầy (chỉ đạt gần 40%), với 87/347ha. Đó là chưa kể, nhiều CCN chỉ có trên quy hoạch, gặp khó khăn trong triển khai thực hiện vì không thể tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng do đội giá đất, chi phí san lấp, điều kiện không đáp ứng, không hấp dẫn nhà đầu tư... Từ đó khiến nhiều địa phương phải xin chuyển đổi, di dời vị trí quy hoạch, hay như việc để các doanh nghiệp tự thuê đất xây dựng nhà máy xung quanh các CCN làm phá vỡ quy hoạch ban đầu…

(Còn tiếp)

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN