Tạo đột phá trong phát triển công nghiệp

25/11/2019 - 06:59

BDK - Đề án phát triển công nghiệp (CN) tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và hướng đến năm 2030, sau 3 năm triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Có 2/6 chỉ tiêu vượt mục tiêu là phát triển mới doanh nghiệp (DN) CN vượt 15%, tạo việc làm ổn định cho lao động vượt 20%. Có 2/6 chỉ tiêu đạt trên 80% gồm giá trị sản xuất CN - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đạt 83,86%, tỷ lệ DN đổi mới công nghệ đạt 90,5% và 2/6 chỉ tiêu còn lại đạt trên 70%, gồm giá trị tăng thêm ngành CN, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CN - TTCN.

Nhà máy bia Sài Gòn - Bến Tre tại Khu công nghiệp Long Phước (Châu Thành) đóng góp ngân sách tỉnh năm 2019 trên 800 tỷ đồng.

Nhà máy bia Sài Gòn - Bến Tre tại Khu công nghiệp Long Phước (Châu Thành) đóng góp ngân sách tỉnh năm 2019 trên 800 tỷ đồng.

Phát triển kết cấu hạ tầng

Theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đoàn Viết Hồng, toàn tỉnh hiện có 2 KCN Giao Long, An Hiệp đã lắp đầy diện tích đất cho thuê 171ha với 51 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, ngành nghề chủ yếu tập trung vào lĩnh vực CN chế biến nông thủy sản, may mặc, cơ khí, điện tử. Hạ tầng cơ bản đã hoàn chỉnh, tỷ suất đầu tư vốn khoảng 80 tỷ đồng/ha đất. Hiện KCN Phú Thuận đang tập trung triển khai và KCN Giao Hòa, Thanh Tân cũng đã có nhà đầu tư tiếp cận tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tỉnh cũng đã hình thành 10 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 347ha, hiện có 8 cụm đã quy hoạch chi tiết với diện tích 304ha, trong đó diện tích đất CN 219ha, đã cho thuê 87ha, tỷ lệ lấp đầy 40%, có 25 dự án đăng ký đầu tư tại các CCN với tổng vốn đầu tư khoảng 4.925 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phân bổ vốn 583.675 triệu đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, CCN và đang làm thủ tục cân đối ngân sách tỉnh đầu tư giai đoạn còn lại CCN Long Phước, KCN Phú Thuận. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN. Qua đó, đã thu hút được một DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN Phú Hưng, An Hòa Tây với tổng vốn khoảng 1.377 tỷ đồng. Hiện hạ tầng các khu, CCN cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của các DN, nhà đầu tư. Ngành điện đã đầu tư 473 tỷ đồng để thực hiện công trình lưới điện 220kV, 110kV và lưới trung, hạ thế.

Tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ nhiều nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện toàn tỉnh có 11 vị trí dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư. Trong đó, điện mặt trời có 4 dự án với tổng công suất lắp đặt 132MW, đã trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Đồng thời, nhiều DN cũng đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để khai thác có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng từ nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy CN phát triển nhanh, tỉnh đang tập trung triển khai một số dự án điện gió, điện mặt trời.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng cho biết, hạ tầng đầu tư bên ngoài khu, CCN được chú trọng. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giao thông quan trọng như các cầu trên quốc lộ 57 như Mương Điều, Ranh Tổng, Hương Mỹ. 5 cầu trên đường tỉnh 885, gồm Hương Điểm, Nguyễn Tấn Ngãi, Ba Lạc, Lương Ngang, 17/1, Ông Bồng ở Mỏ Cày Nam; đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định; nâng cấp đường huyện 173, đoạn từ K20 đến cầu Rạch Miễu đến cầu An Hóa. Triển khai xây dựng các cầu dân sinh trên địa bàn; dự án bổ sung 4 đoạn tuyến trên quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 57, đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày Nam, dự án nâng cấp đường tỉnh 883, đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến cầu An Hóa, giai đoạn 2.

Phát triển mới doanh nghiệp công nghiệp tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Phát triển mới doanh nghiệp công nghiệp tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. 

Tái cơ cấu ngành công nghiệp

Thời gian qua, sản xuất CN có sự chuyển dịch đúng hướng, CN chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế, chiếm tỷ trọng 97,61% vào cuối năm 2019. Phát triển các ngành CN mũi nhọn, CN ưu tiên được chú trọng. Qua đó, đã thu hút được 51 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 2.130 tỷ đồng để khai thác có hiệu quả các thế mạnh về nguồn nguyên liệu, phục vụ cho xuất khẩu. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân cho rằng, hoạt động khoa học công nghệ có nhiều chuyển biến, tốc độ đổi mới công nghệ đạt 18%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất CN đạt 27%. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu dùng chung cho 13 sản phẩm như: rượu Phú Lễ, heo Mỏ Cày Nam, xoài tứ quý Thạnh Phú... Nhãn hiệu tập thể gồm chôm chôm, măng cụt Chợ Lách, nhãn Long Hòa, chổi Mỹ An, tép rang dừa Mỹ Hưng - Thạnh Phú; nem chay Phú Đức, tôm sinh thái Thạnh Phước; chỉ dẫn địa lý sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm Bến Tre... Hỗ trợ 14 lượt cơ sở xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đề nghị hội đồng quốc gia xét tặng giải vàng chất lượng quốc gia cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu.

Nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới là tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, trọng tâm là xây dựng hạ tầng KCN Phú Thuận. Hoàn chỉnh hạ tầng 5 CCN đã thành lập và phát triển ít nhất 2 CCN đã được quy hoạch. Các dự án sản xuất ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị tăng và đóng góp ngân sách cao, CN chế biến gắn với vùng nguyên liệu; hạn chế tối đa những dự án nhỏ có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều đất đai, mạnh dạn thu hồi chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai.

Cân đối bố trí vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong, ngoài hàng rào khu, CCN. Hỗ trợ các DN xuất khẩu tiếp cận các chính sách mới. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, CCN phù hợp với thực tế. Điều chỉnh quy mô, ngành nghề, diện tích KCN Phú Thuận và khu tái định cư, nhà ở công nhân. Đặc biệt, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án điện gió, điện mặt trời. Phấn đấu đến năm 2020 có nhà máy năng lượng tái tạo và vận hành phát điện hòa vào lưới điện quốc gia và bán điện thương phẩm. Tiếp tục đầu tư các làng nghề TTCN, tham gia chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

“Tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt cao, trên 5 ngàn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, đứng trong top 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu. Tỉnh đang tập trung xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh, trong đó triển khai xây dựng quy hoạch cụ thể từng ngành, lĩnh vực mang tính lâu dài.

Tỉnh tập trung rà soát, quy hoạch lại các khu, CCN, chọn lựa nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư phù hợp theo hướng tạo ra hàm lượng công nghệ cao. Phát triển CN có chọn lọc, trong đó ưu tiên khí sạch, điện gió, giữ lại môi trường xanh, sạch, đẹp kết hợp phát triển du lịch.

Thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư đến các huyện biển tìm hiểu đầu tư lĩnh vực điện gió, điện mặt trời là tiềm năng trước nay chưa khai thác. Trong đó, có nhà đầu tư tìm hiểu thực hiện dự án điện khí sạch ở Thạnh Phú với tổng vốn đầu tư 1 ngàn tỷ đồng. Nếu dự án này thành công sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư các dự án tiếp theo, tạo sức bật mới cho tỉnh trong phát triển ngành CN”.

(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam)

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN