“Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”

10/04/2019 - 07:11

BDK - “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững” là chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2019. Ngày Quyền của NTD Việt Nam có ý nghĩa khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi (BVQL) NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong thực hiện các hoạt động BVQLNTD.

Đại diện Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ thương mại tỉnh.

Đại diện Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ thương mại tỉnh.

Doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh

Ông Huỳnh Duy Nhân - Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh cho biết, doanh nghiệp (DN) lành mạnh là khi sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đều phải đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho NTD. Kinh doanh lành mạnh là cho lưu thông những sản phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo trong thiết kế và cải tiến sản phẩm, cũng như chú trọng đến quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, sản phẩm xanh, sạch, an toàn.

Cũng theo ông Nhân, mục đích của tiêu dùng bền vững là sử dụng các dịch vụ, sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng sống tốt hơn mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai, tức là giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại cũng như việc phát sinh chất thải và chất ô nhiễm; đòi hỏi sản phẩm lành mạnh. Trách nhiệm này trước hết là ở những nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Năm 2018, hội đã tổ chức 14 cuộc hội thảo tuyên truyền về ý nghĩa Ngày Quyền của NTD. Từ năm 2011 đến 2018, Tỉnh Hội đã tiếp nhận tư vấn, hòa giải 228 vụ khiếu nại của NTD, trong đó hòa giải thành 89 vụ (đủ điều kiện), tư vấn 110 vụ (không đủ chứng từ, hóa đơn), còn lại 29 vụ chuyển đến các cơ quan khác giải quyết (trong đó có 8 vụ hòa giải không thành). Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khiếu nại là 3,6 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền bồi hoàn cho NTD là 329 triệu đồng. Cũng trong năm 2018, hội đã tiếp nhận 17 vụ khiếu nại và ý kiến phản ánh của NTD qua điện thoại, hộp thư điện tử về hàng khuyết tật, hàng giả.

“Quá trình tư vấn, hòa giải khiếu nại cho thấy, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo hành sản phẩm cho NTD. Các hành vi như né tránh, đổ lỗi cho NTD, từ chối bảo hành miễn phí và không bồi thường thiệt hại. Các kết luận lỗi của NTD và nội dung từ chối bảo hành chưa đảm bảo tính pháp lý”, ông Huỳnh Duy Nhân cho biết.

Nâng cao hiệu quả

Tại hội thảo hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2019, do Sở Công Thương phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, Bộ Công Thương tổ chức ngày 8-4-2019, ông Võ Hồng Sơn - Trưởng đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường công tác tuyên truyền về quyền được cung cấp thông tin của NTD; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ NTD trong việc nắm bắt thông tin; xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các trung tâm tư vấn cho NTD, hệ thống thông tin tiêu dùng, các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn tiêu dùng văn minh, thông thái; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BVQLNTD.

Đối với DN, cần tăng cường tính tuân thủ pháp luật BVQLNTD trong lĩnh vực cung cấp thông tin cho NTD. Thông tin đảm bảo chính xác, đầy đủ, công khai (gồm thông tin cảnh báo, thông tin bảo hành, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung). Đồng thời, DN có trách nhiệm bảo vệ thông tin như thông báo mục đích thu thập, sử dụng thông tin; bảo vệ an toàn, bí mật thông tin. DN phát triển hệ thống quản lý giao dịch để bất cứ lúc nào giao dịch với NTD đều có thể cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ giao dịch, thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, cảnh báo mất an toàn, điều kiện bảo hành.

DN hợp tác, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện hàng hóa giả mạo, kém chất lượng, thiếu thông tin, thông tin không chính xác hoặc lừa đảo để kịp thời xử lý, thu hồi và cảnh báo, thông tin cho NTD được biết, xây dựng hệ thống tiếp nhận phản ánh, xử lý khiếu nại của NTD, liên kết với Tổng đài 1800-6838 hoặc các tổng đài của cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD địa phương để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, khiếu nại của NTD.

Đối với NTD, hãy là NTD thông thái. NTD cần tìm hiểu thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, thuần phong mỹ tục; kiểm tra sản phẩm trước khi tiếp nhận; lấy đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn sử dụng và hướng dẫn bảo hành nếu có để lưu giữ cẩn thận; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng sản phẩm; thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn, hành vi xâm phạm quyền lợi NTD.

“Những vấn đề cần lưu ý khi khiếu nại là NTD cần có hồ sơ, chứng từ đầy đủ và đến khiếu nại tại UBND các cấp, các tổ chức xã hội thực hiện công tác BVQLNTD, các cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền được Nhà nước giao thực hiện BVQLNTD”, Chủ tịch Hội BVQLNTD Huỳnh Duy Nhân lưu ý.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác BVQLNTD, ngày 22-1-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác BVQLNTD. Theo đó, BVQLNTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ NTD.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích