“Tăng tốc” trong Đồng khởi khởi nghiệp

18/07/2018 - 07:08

Trong 6 tháng đầu năm 2018, với tinh thần năm “tăng tốc”, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh tiếp tục có những kết quả rõ nét hơn. Chương trình được triển khai đến cơ sở, có chiều sâu. Hệ sinh thái KN được cải thiện tích cực. Nguồn lực cho KN và phát triển DN, đặc biệt là các nguồn lực tín dụng được tập trung chuyển hướng vào hoạt động KN và phát triển DN dồi dào hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải (thứ 5 và thứ 4, từ phải sang) tham quan các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải (thứ 5 và thứ 4, từ phải sang) tham quan các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phát triển hệ sinh thái KN

Một trong những kết quả nổi bật nhất của chương trình là xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái KN, tạo môi trường thuận lợi nhất cho KN và phát triển DN. Ông Lê Xuân Vinh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN cho biết, với vai trò đầu mối, trung tâm đã chủ động hỗ trợ các địa phương; thiết lập mối quan hệ, liên kết giữa các sở, ngành tỉnh; ký kết hợp tác với các viện, trường, trung tâm, các DN; các tổ chức, cá nhân trong khu vực và cả nước; kể cả việc huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương nhằm giúp tỉnh trong việc hoàn thiện hệ sinh thái KN và vận hành ươm tạo KN, phát triển DN theo hướng hệ thống, khoa học và có chiều sâu. Đồng thời, đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đăng ký ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho chương trình khoảng 1.800 tỷ đồng.

Thông qua các mối liên kết, Bến Tre được tư vấn, hỗ trợ tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, phát triển hệ sinh thái KN tỉnh. Chỉ riêng 6 tháng qua, tỉnh đã tổ chức được 58 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người KN và cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ KN với hơn 4.000 lượt học viên tham gia. Tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp cho 119/216 ý tưởng, dự án KN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Đặc biệt, thông qua gắn kết với các quỹ như: Đầu tư KN tỉnh Bến Tre, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác công - tư của Dự án AMD Bến Tre, nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại, các nguồn vốn lồng ghép khác…, tỉnh đã hỗ trợ vốn cho 199 dự án, DN KN với tổng kinh phí khoảng 360 tỷ đồng. Riêng đối với Quỹ đầu tư KN của tỉnh, Hội đồng tư vấn đã giới thiệu đến quỹ 7 dự án, kết quả có 5 dự án được duyệt với tổng mức vốn vay ưu đãi trên 1 tỷ đồng.

Song hành với ươm tạo, hỗ trợ KN, tỉnh đã gắn kết, hỗ trợ các DN thúc đẩy liên kết với nông dân trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, có 4 DN như Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Mekong, Công ty Thực phẩm tươi ngon Mekong, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre xây dựng liên kết tiêu thụ dừa tại 4 huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) tiêu thụ nhãn Tam Hiệp và bưởi da xanh tại các huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, Giồng Trôm...

Tỷ lệ phát triển DN mới tăng 43%

Theo đó, số lượng DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt cao trong nhiều năm qua, với 320 DN và 397 đơn vị trực thuộc (trong đó có 53 hộ chuyển lên và 65 DN KN), tăng 43% so với cùng kỳ, nâng tổng số DN toàn tỉnh đến nay đạt 3.100 DN. Đồng thời, có 2.297 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới, nâng tổng số hơn 45.400 hộ.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi gặp gỡ doanh nhân khởi nghiệp.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi gặp gỡ doanh nhân khởi nghiệp.

Các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre có tỷ lệ thành lập DN mới khá cao. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã phát triển 32 DN, tăng gấp nhiều lần so với nhiều năm qua. Huyện xác định muốn phát triển thì phải phát triển DN. Do đó, huyện rất nỗ lực thực hiện chương trình. Giải pháp quan trọng hàng đầu để đạt mục tiêu là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Mô hình nổi bật của huyện là chú trọng tuyên truyền trong học sinh THPT, hỗ trợ xuyên suốt hộ cá thể và DN thông qua chuyến xe KN, cà phê DN.

Tương tự, các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và Thạnh Phú tập trung cao và có hiệu quả trong công tác hỗ trợ KN thoát nghèo.

Tập trung các hoạt động kết nối

Chương trình KN đang tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hình thành hệ sinh thái KN và đang chuyển sang giai đoạn đi vào chiều sâu, có chất lượng. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2018, các mục tiêu mới chỉ đạt 38%. Nguyên nhân do sự phối hợp các ngành, địa phương có nơi, có lúc chưa đồng bộ. Có trường hợp lãnh đạo thiếu sự sâu sát, chỉ đạo thường xuyên mà giao khoán cho cán bộ phụ trách. Các hạn chế, khó khăn được nhìn nhận theo hướng toàn diện và có giải pháp để khắc phục.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú cho rằng, xu hướng nhà đầu tư đến Bến Tre trong năm 2018 rất nhiều, nhất là nhu cầu đầu tư về năng lượng gió, mặt trời. Vì thế, thời gian tới, rất cần tỉnh có định hướng cho nhà đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến quỹ đất để giới thiệu nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trúc Sơn đề nghị tỉnh tăng cường cán bộ có đủ năng lực, nhân lực để về “lèo lái” các hợp tác xã. Trong đào tạo, tỉnh nên lưu ý đưa nông dân, DN đi tham quan mô hình hiệu quả nhiều hơn để họ có thêm kinh nghiệm thay vì tổ chức các hội nghị tại hội trường. Chương trình cũng nên tập trung kết nối thị trường, kết nối với DN trực tiếp và nhiều hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng thống nhất với nhiều giải pháp được đề xuất từ các ngành, các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh nội dung tuyên truyền cần tập trung vào đáp ứng nhu cầu DN, KN. Các địa phương mạnh dạn có cơ chế đầu tư hạ tầng, tìm ra các thửa đất công để tìm ra một vị trí đất sạch kích thích các dự án KN. Các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm, gắn với sản phẩm làng nghề và phát triển thương hiệu. Xây dựng cửa hàng quảng bá sản phẩm để hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm của KN, DN và hợp tác xã.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn chỉ đạo các huyện, thành phố cần tổ chức ngay sơ kết 2 năm, gắn với 6 tháng đầu năm 2018 việc thực hiện chương trình. Cấp huyện, xã củng cố tổ xúc tiến đầu tư và KN nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Tổ xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng, có kiểm tra, đánh giá, định hướng, tăng cường tiếp xúc gặp gỡ đối thoại hộ nghèo để hỗ trợ.

Nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ngành

Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tốt các sự kiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cố vấn KN tỉnh Bến Tre với nòng cốt là Câu lạc bộ DN dẫn đầu.

Cục Thuế tỉnh sớm đề xuất mô hình quản lý đối với DN mới thành lập, hộ kinh doanh chuyển lên DN, để giúp DN hoạt động hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm KN cho học sinh, nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, nâng cao nhận thức về hoạt động KN.

Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tốt cuộc thi ý tưởng KN tỉnh lần 2; phối hợp với Trung tâm Nội dung số của Tập đoàn Yeah1 tổ chức các hoạt động KN nội dung số, đưa vào vận hành chính thức Vườn ươm DN tỉnh.

Hội đồng Quản lý Quỹ đầu tư KN tổ chức vận động kinh phí cho quỹ thông qua nhiều hình thức, phấn đấu đến cuối năm đạt 23 tỷ đồng. Xem xét, hỗ trợ và đầu tư vào các dự án KN trên lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, du lịch, dự án KN đổi mới sáng tạo.

Sở Khoa học và Công nghệ tập trung quyết liệt hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bảo hộ và phát triển hàng hóa. Sở có kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khoa học công nghệ, chọn lọc những ý tưởng đạt giải đề xuất để hỗ trợ; tiếp cận khai thác nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường quảng bá sản phẩm cho DN KN.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN