Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

10/07/2020 - 07:04

BDK - Tỉnh đang triển khai 32 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất 4.308MW, trong đó có 22 dự án điện gió, 9 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 1 dự án hơi điện. Thông tin từ Sở Công Thương, trong khi các dự án điện gió đã được phê duyệt chậm tiến độ triển khai do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan thì ĐMT mái nhà do người dân, doanh nghiệp lắp đặt đang tăng mạnh.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho khách hàng.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho khách hàng.

Các dự án điện gió

Toàn tỉnh hiện có 22 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 3.145MW. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Văn bản số 795 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, tỉnh đã được phê duyệt 13 dự án với tổng công suất 828MW.

Trong số các dự án nhà máy điện gió được quy hoạch và giao nhà đầu tư, hiện có 2 dự án đang được thi công. Nhà máy điện gió số 5, ven biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, công suất 30MW, do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Đến nay, đã hoàn thành nhà điều hành, triển khai thi công 48/53 vị trí trụ đường dây 110kV và trạm nâng áp, đường dẫn, móng trụ tua-bin… Dự kiến hoàn thành phát điện vào quý I-2021.

Nhà máy điện gió số 10, 11, ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, công suất 30MW, do Công ty cổ phần Điện gió Mê Kông làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhà điều hành, đã được phê duyệt hướng tuyến đường dây 110kV, hoàn thành 30/45 móng trụ và lắp dựng được 16/45 cột… Dự kiến đóng điện, vận hành nhà máy vào tháng 12-2020.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, tiến độ triển khai các dự án chậm, không đúng tiến độ cam kết. Với hạ tầng lưới điện hiện hữu sẽ không thể chuyển tải được công suất các nhà máy lên lưới điện quốc gia.

“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ là hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Do áp lực về thời gian, các chủ đầu tư không tuân thủ đúng các quy định về trình tự thu hồi đất mà trực tiếp thỏa thuận giá cả đền bù với người dân, dẫn đến giá đất trong khu vực có dự án tăng cao, tiếp tục gây khó khăn cho các công trình cần thu hồi đất sau này. Mặt khác, các công trình điện gió khi thi công trên biển chỉ có thể thực hiện được một số tháng trong năm, do đến mùa gió chướng và mùa mưa bão thì không thể thi công được”, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết.

Điện mặt trời mái nhà tăng nhanh

Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Bến Tre tổ chức các hội nghị triển khai cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến đến người dân qua nhiều hình thức. Công ty Điện lực Bến Tre đã công khai quy trình hướng dẫn các thủ tục đấu nối các dự án ĐMT áp mái trên website của công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tra cứu khi có nhu cầu. Đến tháng 4-2020, lũy kế thực hiện đấu nối hòa lưới cho gần 600 khách hàng với tổng công suất hơn 7.000kW. Dự kiến từ nay đến cuối năm, lượng khách hàng đề nghị sẽ tăng cao với quy mô công suất ước đạt 17.000kW.

Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre Phạm Thanh Trúc cho biết: Lũy kế từ khi thực hiện ĐMT mái nhà đến nay, công ty đã thanh toán tiền mua ĐMT mái nhà cho 219 khách hàng với sản lượng điện thanh toán 1,86 triệu kWh, tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa phần hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh là lưới 1 pha 3 dây. Khi khách hàng lắp ĐMT mái nhà với công suất lớn sẽ dẫn tới quá tải, gây mất ổn định cung cấp điện, ảnh hưởng đến tổn thất điện năng… Do đó, trước khi lắp đặt, người dân, doanh nghiệp cần liên hệ công ty để được tư vấn, hướng dẫn.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cũng nêu khó khăn chung: “Khoảng trống chính sách” trong quy định cơ chế phát triển ĐMT. Đặc biệt, đến thời điểm này là đúng 1 năm kể từ ngày Thông tư quy định hợp đồng mua bán điện mẫu dự án ĐMT mái nhà hết hiệu lực nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành thông tư mới để hướng dẫn mới. Đồng thời, do số lượng hồ sơ khách hàng tăng đột biến, dẫn đến việc giải quyết các đề nghị mua bán ĐMT mái nhà còn chậm.

Tại hội nghị tổng kết công tác điện lực và năng lượng tái tạo giai đoạn 2016 - 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập đề xuất Tổng công ty Điện lực miền Nam tiếp tục phối hợp cùng địa phương thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế của tỉnh; hỗ trợ tỉnh bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng lưới điện trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt. Xem xét hỗ trợ sớm thỏa thuận đấu nối các dự án năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 795, ngày 25-6-2020 về việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo thẩm quyền.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN