Địa phương khởi nghiệp

24/01/2019 - 17:26

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trao biểu trưng của tỉnh cho Thống đốc Ngân hàng vùng Kansai (Nhật Bản).  Ảnh: Châu Bình

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trao biểu trưng của tỉnh cho Thống đốc Ngân hàng vùng Kansai (Nhật Bản).  Ảnh: Châu Bình

Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp ở tỉnh ta (gọi tắt là Chương trình) được triển khai hơn 2 năm và bước đầu thu được kết quả quan trọng.

Tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy mạnh mẽ thành phong trào; đã xuất hiện đội ngũ khởi nghiệp với tên tuổi và dự án cụ thể. Môi trường đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp được cải thiện đáng kể, với sự năng động và tính hiệu quả của các cơ quan chính quyền, cũng như việc ban hành các cơ chế chính sách của địa phương. Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh dần được hình thành và ngày càng rõ nét với các yếu tố cơ bản: người khởi nghiệp, các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp, cơ chế chính sách cho khởi nghiệp, các viện, trường đại học, các doanh nghiệp dẫn đầu, các tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, sự chấp nhận và hỗ trợ xã hội đối với hoạt động khởi nghiệp...

Đây là động lực để tiếp tục triển khai Chương trình và là nền tảng để tập trung phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở Bến Tre, người khởi nghiệp cần đón bắt xu thế này, tập hợp lại với nhau và phát huy thế mạnh của khoa học công nghệ để đưa ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nhằm giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển của tỉnh nhà hay những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh, trong những năm sắp tới, các thách thức hay nhu cầu đó nằm trong các lĩnh vực: nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (liên kết trong sản xuất, kết nối thị trường, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch...); thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (sinh kế mới, giải pháp quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường...); phát triển du lịch (sản phẩm mới/khác biệt, chăm sóc sức khỏe/sắc đẹp...); cải cách hành chính và quản trị thông minh (giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp quản trị hiệu quả...); phát triển nguồn nhân lực (kỹ năng mềm, ngoại ngữ...)...

Dự án “C2T - Du lịch phát triển tài nguyên bản địa” của Bến Tre (phải) và dự án “Nước chẩm chéo của dân tộc Thái” (trái) đạt giải nhất đối với cá nhân và tập thể tại cuộc thi dự án khởi nghiệp lần 4 do BSA tổ chức.  Ảnh: Cẩm Trúc

Dự án “C2T - Du lịch phát triển tài nguyên bản địa” của Bến Tre (phải) và dự án “Nước chẩm chéo của dân tộc Thái” (trái) đạt giải nhất đối với cá nhân và tập thể tại cuộc thi dự án khởi nghiệp lần 4 do BSA tổ chức.  Ảnh: Cẩm Trúc

Phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề trên vừa mang lại lợi ích cho người khởi nghiệp, vừa góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Đó cũng là mục tiêu cao nhất của Chương trình. Để làm được điều đó, người khởi nghiệp cần làm việc theo nhóm (nhóm khởi nghiệp) và liên hệ chặt chẽ với các viện, trường đại học và chuyên gia; đồng thời, tỉnh phải tập trung xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái đủ mạnh để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2019 và tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung hệ thống lại và cụ thể hóa để hoàn thiện khung pháp lý (ở cấp địa phương) cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng tính thực thi của các quy định và tạo niềm tin cho người khởi nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường hỗ trợ kết nối giữa nhóm khởi nghiệp với các viện, trường, chuyên gia và các doanh nghiệp dẫn đầu, các tập đoàn; phát huy hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, làm tốt công tác kết nối với các ngân hàng, các quỹ đầu tư; tập trung hoàn thiện vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh với mô hình và cơ chế hoạt động vượt trội, gắn với phát huy không gian làm việc chung tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 Bến Tre; tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực và các cơ sở vật chất phục vụ khởi nghiệp.

Có thể nói, tỉnh ta đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc, khi mà các yếu tố cần thiết cho phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá đầy đủ. Cơ hội là dành cho tất cả mọi người; mọi sự đáp lời của người dân, doanh nghiệp đều có chỗ để phát huy!

Với tinh thần “Đồng khởi mới” và trí tuệ, sự sáng tạo của người Bến Tre, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào kết quả Chương trình. Khi chúng ta cùng nhau làm, không gì là không thể!.

Các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

* Giai đoạn 1: Ý tưởng khởi nghiệp (Idea stage): Đây là giai đoạn đầu lên ý tưởng khởi nghiệp. Các doanh nhân trong tương lai sẽ được truyền cảm hứng, được đào tạo những kiến thức, thực hành, phát triển kỹ năng và bước đầu phát triển sản phẩm. Trong giai đoạn này, 3 nội dung quan trọng mà các startup phải lưu ý: (i) Ai là người truyền cảm hứng chọn con đường khởi nghiệp? (ii) Ai đóng vai trò giáo dục, đào tạo, trang bị những kỹ năng, thực hành và phát triển ý tưởng? (iii) Ai hỗ trợ thẩm định ý tưởng?

Giai đoạn 2: Kêu gọi người đồng sáng lập, gọi vốn đầu tư từ các mối quan hệ xã hội: Đây là giai đoạn kêu thêm nguồn đầu tư từ các mối quan hệ xã hội (gia đình, bạn bè) để nuôi dưỡng ý tưởng, phát triển sản phẩm của mình.

Giai đoạn 3: Thành lập công ty (Startup): Để bảo đảm tính pháp lý, đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo, việc cần thiết là đăng ký công ty, xác định cổ phần của các đồng sáng lập và nhà đầu tư.

Giai đoạn 4: Giai đoạn ươm mầm: Đây là giai đoạn kêu gọi đầu tư từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần. Trong đó, các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo có thể là nơi hỗ trợ về tài chính, nơi làm việc, tư vấn… cho khởi nghiệp sáng tạo. Nhà đầu tư thiên thần là những nhà đầu tư với số vốn nhỏ, thường xuất phát từ tài sản cá nhân, thường đầu tư vào các khởi nghiệp sáng tạo khi sản phẩm mới chỉ bước đầu thử nghiệm. Các nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm tới giai đoạn phát triển ban đầu của các mô hình kinh doanh, mong muốn chúng thành công hơn là kỳ vọng vào lợi nhuận sẽ mang lại sau này.

Giai đoạn 5: Vòng đầu tư mạo hiểm: Khi dự án gần hoàn thiện, tới bước bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường là lúc tiếp cận đến các nhà đầu tư mạo hiểm. Công ty lúc này đã thuộc quyền kiểm soát của các nhà đầu tư.

Giai đoạn 6 - IPO: Doanh nghiệp có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán.

Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN