Hướng đến xây dựng địa phương khởi nghiệp

28/01/2019 - 07:02

BDK - Kết quả thực hiện Chương trình số 10 trong năm 2018 về Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) với tinh thần “tăng tốc” đã tạo nền tảng cần thiết. Đây cũng là động lực cho tỉnh quyết tâm tiến đến xây dựng Bến Tre trở thành địa phương KN trong năm 2019 với tinh thần “bứt phá”.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày tại phiên chợ khởi nghiệp 2019.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày tại phiên chợ khởi nghiệp 2019.

Đa dạng hoạt động khởi nghiệp

Năm 2018, toàn tỉnh thành lập mới 526 DN và 555 đơn vị trực thuộc thành lập mới, trong đó có 86 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN; 70 DN KN; 2 DN khoa học công nghệ. Đồng thời, có 4.452 hộ kinh doanh cá thể và 52 hợp tác xã thành lập mới.

Cùng với tỉnh, các địa phương đã phát động và tổ chức tốt các cuộc thi KN cấp huyện. Đặc biệt, cuộc thi “Dự án KN lần thứ 4 - 2018” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN BSA tổ chức, tỉnh có 41 dự án tham gia, kết quả có 5 dự án đạt giải cao. Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KN đổi mới sáng tạo” vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, có 2 dự án đạt giải. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh đã được cải thiện; đáng kể nhất là việc chỉ số PCI của tỉnh đứng trong top 5 của cả nước.

Cùng với đó là việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư kinh doanh; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chợ, liên kết chuỗi giá trị, hỗ trợ tiếp cận khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… cũng được ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành “địa phương KN” - kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lấy DN làm đối tượng phục vụ theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, đã xuất hiện nhiều mô hình đối thoại DN hiệu quả. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức tốt mỗi năm 4 cuộc họp mặt/đối thoại; mô hình “Cà phê DN” hàng tháng đã thu hút ngày càng đông đảo DN, doanh nhân tham dự và chia sẻ, đề xuất và góp ý cho tỉnh. Ở cấp huyện, nhiều địa phương cũng làm tốt công tác hỗ trợ DN thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, điển hình như mô hình “Hội quán cà phê KN” của Mỏ Cày Bắc.

Trọng tâm tạo bứt phá

Để đạt được chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đưa Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN đi vào thực chất, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… “Sắp tới, bên cạnh các diễn đàn đối thoại, họp mặt DN và “Cà phê DN hàng tháng”, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, DN thông qua Tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN nhằm kéo giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, DN”, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.

Các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh luôn theo dõi, hỗ trợ và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là tạo lập được cơ chế thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhất cho DN hoạt động và phát triển, xây dựng chính quyền năng động, phục vụ tốt nhất cho sự vận hành và phát triển của các thành phần kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đặc biệt, để tạo bứt phá, tỉnh xác định trọng tâm là phát triển DN, thu hút đầu tư và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Tỉnh đã hình thành “Vườn ươm DN”, “Hội Doanh nhân trẻ”, “Câu lạc bộ DN dẫn đầu”... và nhiệm vụ quan trọng bây giờ là tạo môi trường để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đề nghị cộng đồng DN tỉnh nhà cần nhanh chóng chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội lớn; đồng thời, xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, chủ động tìm ra những ý tưởng đầu tư, kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng; tích cực, chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, tận dụng hiệu ứng của nền công nghệ 4.0 để tạo lập những cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, hiện đại... đủ sức cạnh tranh và không ngừng lớn mạnh.

“Trước cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cộng đồng DN nói chung và DN KN nói riêng cần chuẩn bị chuẩn bị tốt 5 nội dung, giải pháp cơ bản. Đó là xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và quản lý chất lượng ổn định với hệ thống quản trị và tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến công nghệ; tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo các điều kiện cạnh tranh; nâng cao năng lực phòng vệ bằng liên kết sản xuất và xây dựng mạng phân phối nội địa vững chắc; kết hợp với nhau, hay qua các hiệp hội, nắm vững pháp luật kinh doanh trong nước và quốc tế, sẵn sàng cho các tranh chấp nếu có”.

(Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao)

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN