Huy động tốt nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

26/06/2019 - 06:59

BDK - Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nước ta được xác định là một quá trình “chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Qua 10 năm triển khai phong trào thi đua “Ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020”, công tác phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn vốn ngân sách đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần mang đến thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Huy động hiệu quả nguồn lực

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, một trong 3 nhóm nhiệm vụ mà ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) xác định thực hiện là xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực.

Thời gian qua, chính sách đầu tư xây dựng NTM đã có những đổi mới lớn, cơ chế đầu tư ngày càng hoàn thiện theo hướng đơn giản, nâng cao tính hiệu quả, minh bạch và hiệu quả hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, huy động được các nguồn vốn khác đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhất là việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với đầu tư xây dựng NTM (thông qua ban hành và triển khai hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế đầu tư) đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của chính quyền cơ sở và vai trò chủ thể của người dân.

Tại địa phương, Sở KH&ĐT giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM tại địa phương như: cơ chế huy động nguồn lực bằng việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, tư vấn lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng để sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tránh dàn trải, lãng phí, nợ đọng.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước huy động được khoảng 850 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho chương trình, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 31,34%, tín dụng 51%. Đến giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn vốn huy động đã đạt trên 900 ngàn tỷ đồng, vốn tín dụng đạt 62,43%. Dự kiến năm 2019, cả nước có khả năng huy động được trên 365 ngàn tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình. Nếu thực hiện được như dự kiến, tính chung giai đoạn 2 của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước huy động được khoảng 54 tỷ USD để thực hiện.

Tại Bến Tre, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình đạt 12,4 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước chiếm 36%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 38%, doanh nghiệp 14% và nhân dân đóng góp 12%. Nguồn lực này đã góp phần giúp cho quá trình xây dựng NTM của tỉnh, đến nay có 43/147 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó 35 xã đã được công nhận, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét: “Kết quả huy động nguồn lực đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vượt thời gian so với yêu cầu của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, tính bền vững của chương trình, đã dứt điểm xóa được nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình”.

Sự tham gia của người dân và doanh nghiệp

Từ những kết quả cho thấy vai trò và ý nghĩa của công tác huy động nguồn lực cho xây dựng NTM, tuy nhiên cũng nảy sinh những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu, điều đó thể hiện qua việc nguồn lực xây dựng NTM thời gian qua chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư công và nguồn tín dụng, mức độ tham gia của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành sử dụng vốn của một số địa phương có nơi còn kém hiệu quả, tiến độ giải ngân hàng năm chậm, nhất là trong năm 2019, đến nay chỉ mới giải ngân khoảng 5%.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Bến Tre.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Bến Tre.

“Chính sách thu hút vốn từ DN tuy được xem là động lực để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhưng kết quả triển khai hạn chế, cả nước có khoảng 8% doanh nghiệp đầu tư liên quan đến DN, trong đó, DN đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 1% doanh nghiệp cả nước. Mức độ tham gia của người dân cũng chưa cao, số vốn giao cho người dân tự thực hiện chỉ khoảng 20% tổng vốn trực tiếp bố trí cho chương trình”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đánh giá.

Với những khó khăn, tồn tại đã được chỉ ra, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT  Nguyễn Văn Hiếu cho rằng ngành KH&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách đầu tư và xây dựng NTM theo hướng đơn giản hóa cơ chế đầu tư để người dân tham gia thực chất, tăng cường tính công khai, minh bạch từ khâu lập kế hoạch, quyết định, thực hiện dự án đầu tư và nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác giám sát của cộng đồng.

Bên cạnh đó, huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa. “Nhất là chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản với sự dẫn dắt của DN, đưa DN trở thành động lực để phát triển nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn cho người sản xuất”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng lưu ý, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM, mỗi địa phương cần rà soát lại quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư của năm 2019 để đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019, hoàn thành phương án phân bổ kế hoạch vốn dự phòng trung hạn 2016 - 2020, trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt, kịp thời bố trí đủ cho các dự án đã được phê duyệt.

Ngày 25-6-2019, Bộ KH&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011 - 2020”. Lãnh đạo các vụ, ngành Trung ương, đại diện 58/63 sở KH&ĐT các tỉnh, thành, đại diện 13/13 văn phòng điều phối NTM các tỉnh Tây Nam Bộ tham dự.

Hội nghị đã đánh giá vai trò và kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, các mô hình, cách làm hay trong huy động nguồn lực xây dựng NTM, vai trò của tín dụng trong triển khai các chương trình, dự án và vai trò của MTTQ trong giám sát, thực hiện các công trình đầu tư cộng đồng.

Dịp này, có 5 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 17 tập thể nhận cờ thi đua và 61 đơn vị, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ KH&ĐT, trong đó có 11 đơn vị, cá nhân của tỉnh Bến Tre.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN