Nâng cao chất lượng nông sản để xuất khẩu

20/03/2019 - 07:59

BDK - Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng vẫn còn lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tới đây, đồng thời với mở cửa chính ngạch là Trung Quốc cũng tăng cường siết chặt quản lý chất lượng hàng nông sản nhập vào nước này và hoàn toàn đóng cửa tiểu ngạch.

Tham quan gian hàng nông sản của các tỉnh tại hội nghị thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản.

Tham quan gian hàng nông sản của các tỉnh tại hội nghị thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản.

Doanh nghiệp sẵn sàng

Trong thời điểm chờ đợi thêm một số mặt hàng được phép xuất khẩu sang nước này, một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cho biết đang rất nóng lòng được vào cửa chính ngạch, với tâm thế sẵn sàng, đủ điều kiện nhưng về thông tin, quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này còn rất mơ hồ.

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách cho biết, DN chưa rõ thông tin xuất khẩu thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch; cũng chưa nghe thông báo DN phải đăng ký vùng trồng hoặc như thế nào mà chỉ biết rằng, hiện nay, mỗi tỉnh mỗi đăng ký báo cáo để được cấp mã code.

Về tâm thế chuẩn bị khi thị trường này đóng hoàn toàn các cửa tiểu ngạch và mở cửa chính ngạch bằng các rào cản về những quy định của tiêu chuẩn chất lượng. Bà Vy nói: Riêng DN đã có vùng trồng đã được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra. Hiện nay, DN đã xây dựng vùng trồng tại các tỉnh Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đắk Lắk…

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông sản Hương Miền Tây là DN chuyên xuất khẩu trái bưởi da xanh và xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch trong thời gian qua. Theo ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty, về mặt chuẩn bị, DN đã chuẩn bị sẵn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu chính ngạch. Mong muốn của DN là đi được chính ngạch sớm, tạo sự an tâm, xuất khẩu ổn định, giúp giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá thu bưởi cho nông dân.

 “Hiện tại, chứng nhận VietGAP có thể đủ điều kiện đi rất nhiều nơi. Nhưng không chỉ vùng trồng đạt chứng nhận mà kể cả nhà máy đóng gói cũng phải đạt tiêu chuẩn HACCP, đảm bảo đủ về các quy trình, tiêu chí sạch. Theo đó, DN sẽ xây dựng vùng trồng, đặt hàng cho nông dân sản xuất và kiểm soát quy trình sản xuất đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường. Để chủ động, DN cũng đã xây dựng đội quản lý chất lượng nguyên liệu, kiểm soát quy trình canh tác, tới tận vườn hỗ trợ nông dân.

Vai trò của ngành chức năng

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, Phó chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, DN xuất khẩu cần lưu ý các quy định pháp luật và thông số kỹ thuật tiêu chuẩn liên quan đến dịch bệnh động vật và thực vật, thú y, bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc thú y, quản lý đăng ký DN sản xuất và yêu cầu vệ sinh tại quốc gia (khu vực) xuất khẩu…

Còn theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Trung Quốc cải cách về cơ cấu tổ chức quản lý cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói và chất lượng với hàng nông thủy sản và thực phẩm nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc đối với trái cây tươi nhập khẩu từ Việt Nam cũng như hàng thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc phải được cấp chứng thư an toàn thực phẩm.

Được biết, hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh đang đẩy mạnh thông tin vấn đề này đến các DN xuất khẩu hàng nông sản; tăng cường hỗ trợ các DN và các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết, hình thành chuỗi giá trị, sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ cũng như các thủ tục cần thiết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng mối liên kết giữa nông dân và DN hình thành các chuỗi giá trị hàng nông sản, sản xuất theo yêu cầu thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn thị trường trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong năm 2018, sở đã hỗ trợ 9 tổ hợp tác, HTX đầu tư đối với vùng sản xuất an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với diện tích 110ha bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ: xây dựng mô hình vườn dừa với quy mô khoảng 1.300ha, có khoảng 1.750 hộ tham gia chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, hướng tới, sở tiếp tục phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Qua đó nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, quảng bá chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Sở tiếp tục triển khai thực hiện các dự án về xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm, tôm càng xanh, cua biển; tiếp tục triển khai dự án khai thác phát triển cho sầu riêng Cái Mơn…

Đối với DN, các sản phẩm phải đúng chuẩn và chất. Nói cách khác, tiêu chuẩn, chất lượng, chuẩn mực hàng hóa là điều quan trọng. Để làm được điều này, các DN cần xây dựng một bộ phận quản lý hệ thống tiêu chuẩn riêng.

Ông Nguyễn Công Luận - Phó tổng giám đốc Công ty rau quả thực phẩm An Giang: “Chỉ có tiêu chuẩn mới đưa nông sản đi xa. Để hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi DN phải chuẩn bị, tuân thủ những quy định của một số tiêu chuẩn như ISO, HACCP, GlobalGAP, BRC… và các quy định về tuân thủ trách nhiệm xã hội”.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN