Nghiên cứu về chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh

26/06/2019 - 06:58

BDK - Ông James Marc Shields - chuyên gia chuỗi giá trị, Trưởng đoàn chuyên gia Dự án IFAD và ông Hoàng Mạnh Tuấn - chuyên gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã khảo sát xác định phạm vi cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Bến Tre. Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre đã tổ chức tiếp và làm việc với đoàn.

Đoàn Dự án IFAD khảo sát mô hình sơ chế dừa hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: H.H

Đoàn Dự án IFAD khảo sát mô hình sơ chế dừa hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: H.H

Nhiều mô hình hiệu quả

Đoàn đã dành nhiều thời gian tiếp cận, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương, các mô hình do Dự án IFAD tài trợ. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre để tìm hiểu tổng quan về ĐBSCL; thông tin về các chương trình, dự án, các vấn đề về chuỗi giá trị, BĐKH và thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng.

Tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đoàn đã tìm hiểu công tác quản lý từ nguồn vốn ODA tại tỉnh. Làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn tìm hiểu các chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh, công tác quản lý nguồn vốn ODA. Tham gia khảo sát thực tế tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, tại Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành), đoàn mong muốn công ty sẽ liên kết cùng dự án phát triển toàn diện, lớn mạnh hơn, nhất là khi tham gia vào chương trình, dự án do AMD Bến Tre hỗ trợ.

Đoàn đã đến xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam tìm hiểu sâu về chuỗi giá trị sản xuất dừa hữu cơ thông qua mô hình sơ chế dừa trái của các hộ dân. Tại đây, hầu hết các hộ đều cho rằng vào hợp tác xã, tổ hợp tác có lợi rất nhiều. Chẳng hạn, giá dừa thị trường tự do chỉ khoảng 35 ngàn đồng/chục, nhưng cùng thời điểm, giá dừa doanh nghiệp bao tiêu khoảng 50 - 55 ngàn đồng/chục.

Đoàn cũng đến thăm mô hình tôm - lúa thích ứng với BĐKH tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Mô hình đã được Dự án AMD hỗ trợ khá thành công. Vùng đất này trước đây người dân trồng lúa, thu nhập bấp bênh, sau đó chuyển sang nuôi tôm công nghiệp nhưng cũng không hiệu quả. Từ khi có Dự án AMD hỗ trợ, người dân bắt đầu xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm thích ứng với BĐKH. Bước đầu, các hộ dân thu hoạch khá, năng suất, sản lượng đều tăng, giá bán ổn định do nguồn tôm sạch bán giá cao hơn. Hoặc mô hình trồng xoài tứ quý trên đất giồng cát Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú cũng mang lại hiệu quả cao. Dự án AMD đã hỗ trợ HTX trồng xoài tứ quý từ nguồn vốn quỹ PPP. Sau thời gian chăm sóc, hiện nay xoài đã bắt đầu cho trái.

Đề xuất dự án giai đoạn 2019 - 2025

Sau khi khảo sát, đoàn chuyên gia đã đánh giá khá cao về các mô hình mà Dự án IFAD đã đầu tư vào Bến Tre. Từng vùng đất thích ứng với từng mô hình khác nhau và mang đến hiệu quả kinh tế nhất định. Điều quan trọng là ngoài hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, dự án còn tạo điều kiện tác động rất lớn đến ý thức tổ chức sản xuất cho người nông dân. Làm nông nghiệp không chỉ biết sản xuất ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao mà còn tính đến nhu cầu của thị trường, hướng đến sản xuất hàng hóa và xuất khẩu để đem lại giá trị kinh tế cao. Người nông dân cơ bản đã được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh mà còn được trang bị thêm tư duy kinh tế, hiệu quả sản xuất dù đồng vốn không nhiều. Điều quan trọng là họ biết sản xuất cây, con gì để thích ứng với BĐKH như hiện nay.

Đoàn xác định phạm vi cho vùng ĐBSCL đã ghi nhận sự phát triển và tiến bộ đạt được trong thời gian gần đây về BĐKH và nông nghiệp nhỏ lẻ. Sau chuyến đi này, đoàn sẽ xây dựng và báo cáo mô tả các chương trình, kết quả hiện tại tại ĐBSCL và ghi nhận sự tiến bộ về mặt nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH và toàn diện ở Bến Tre. Đây cũng là cơ sở để giúp định hình tiêu chí để kêu gọi các đề xuất dự án cho giai đoạn mới 2019 - 2025, tại Bến Tre.

Vũ Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích