Nước mặn ảnh hưởng nhiều công trình xây dựng

23/03/2020 - 06:42

BDK - Dù chưa thống kê thiệt hại cụ thể, nhưng nước mặn đã khiến nhiều công trình xây dựng giao thông nông thôn và xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh phải ngưng hoặc giãn tiến độ.

Do nước mặn, một số công trình xây dựng giãn tiến độ thi công.

Do nước mặn, một số công trình xây dựng giãn tiến độ thi công.

Sản xuất khó khăn

Tháng 12-2019, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư xây dựng công trình; các đơn vị tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công phải có kế hoạch dự trữ nguồn nước đảm bảo chất lượng để sử dụng trong thời gian nguồn nước trên địa bàn tỉnh bị nhiễm mặn; tuyệt đối không cho phép sử dụng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn để thi công xây dựng.

Thông tin từ Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp (DN) trong Khu công nghiệp (KCN) Giao Long, An Hiệp và Cụm công nghiệp (CCN) Long Phước ước khoảng 10.900m3/ngày. Nguồn nước chủ yếu do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung cấp. Nước do công ty cung cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến tất cả các DN trong các KCN, CCN, ở một số khâu như: nước sinh hoạt cho công nhân, nước vệ sinh nhà xưởng, nước rửa trong khâu sản xuất.

Một số nhà máy có nhu cầu sử dụng nước cao, như: sản xuất bia, thực phẩm, nồi hơi, nhuộm vải đã chủ động tự trang bị hệ thống lọc RO. Tuy nhiên, hệ thống này tỷ lệ lọc chỉ được 30% với độ mặn nước đầu vào không quá 3‰. Ðể đáp ứng nhu cầu của một số nhà máy sử dụng nước cao, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã chủ động mua nước từ các nhà máy cấp nước của các tỉnh lân cận (Tiền Giang, Vĩnh Long) và vận chuyển (bằng xe ô tô, sà lan) cung cấp trực tiếp cho các đơn vị. Chi phí phát sinh do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre chi trả, tính đến 5-3-2020 khoảng 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, các nhà máy sử dụng nước cấp bị nhiễm mặn cũng đã làm tăng hàm lượng muối khoáng trong nước thải, gây chết vi sinh, làm giảm chất lượng nước thải sau xử lý. Do chưa có số liệu cụ thể từ các DN nên chưa tổng hợp được số liệu thiệt hại về kinh tế đối với các DN trong KCN.

Ở lĩnh vực thi công xây dựng, mặn xâm nhập gây ảnh hưởng, làm chậm tiến độ triển khai một số công trình do hạn chế nguồn nước ngọt phục vụ thi công. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu cụ thể về thiệt hại do chậm tiến độ.

Gia hạn hợp đồng thi công

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải, một số công trình giao thông nông thôn đang thực hiện nằm trong Ðề án số 3333 của UBND tỉnh cũng bị chậm tiến độ do nước mặn. Các công trình tham gia đề án này đều có kết cấu bê-tông, cần nước ngọt để trộn. Nếu phát sinh chi phí mua nước ngọt thì địa phương hoặc người dân lo. Tỉnh chỉ lo phần bê-tông mặt đường, gồm: xi-măng, cát, đá.

Nước mặn khiến chất lượng bê-tông không đảm bảo dẫn đến bể, sụp công trình.

Nước mặn khiến chất lượng bê-tông không đảm bảo dẫn đến bể, sụp công trình.

Ðại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, một vài công trình như  ÐX03 tại xã Tân Phú, đang tới phần bê-tông mặt đường nhưng Ban Giám sát cộng đồng công trình ÐX03 yêu cầu ngưng công trình. Lý do, Ban Giám sát cộng đồng lo lắng nước quá mặn không thể kiểm soát nguồn nước phục vụ công trình, dẫn đến chất lượng bê-tông không đạt yêu cầu.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4506 : 2012, hàm lượng tối đa cho phép của muối hoàn tan trong nước trộn bê-tông và vữa quy định: không quá 2.000mg/l đối với nước trộn bê-tông và nước trộn vữa bơm bảo vệ cốt thép cho các kết cấu bê-tông cốt thép ứng lực trước; không quá 5.000mg/l đối với nước trộn bê-tông và nước trộn vữa chèn mối nối cho các kết cấu bê-tông cốt thép; không quá 10.000mg/l đối với nước trộn bê-tông cho các kết cấu bê-tông không cốt thép và nước trộn vữa xây, trát.

Khi độ mặn vượt quá giới hạn cho phép dẫn đến bể bê-tông, sụp công trình. Bên cạnh đó, các thông số độ mặn cho phép được tiến hành trong môi trường đá sạch, cát sạch, nhưng cát, đá ngoài công trình hiện nay cũng bị nhiễm mặn một phần. Do đó, một số ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, nhất là huyện biển đã đề nghị đơn vị thi công sử dụng nước mặn dưới hoặc bằng 1%o cho các công trình đang thi công.

Một số công trình xây dựng giao thông nông thôn và dân dụng thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tri cũng đang đình trệ, giãn tiến độ. Ông Nguyễn Hữu Hậu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tri cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý cho một số nhà thầu tạm ngưng công trình và gia hạn hợp đồng thi công. Không thể vì đúng hợp đồng mà sử dụng cả nước mặn để ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Các công trình đến khi hoàn thành sẽ được nghiệm thu. Nếu kết cấu bê-tông không đạt theo tiêu chuẩn cho phép thì chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu đập ra đổ bê-tông lại”.

Ðối với các công trình xây dựng giao thông nông thôn cần lượng nước ngọt rất lớn để xịt tưới bảo dưỡng. Nếu không bảo dưỡng thì công trình rất mau xuống cấp. Nhưng hiện nay, tất cả các kênh rạch trên địa bàn huyện Ba Tri hầu như độ mặn rất lớn, từ 6 - 7%o, nước máy cấp cho sinh hoạt thì vẫn mặn. Ông Nguyễn Hữu Hậu nói thêm: “Hiện nay, công trình nhỏ thì nhà thầu tự mua nước ngọt để trộn bê-tông, hoặc khoan giếng ngay khu vực công trình với độ mặn cho phép để sử dụng tiếp tục thi công công trình. Một số công trình có quy mô hơn thì chọn giải pháp mua bê-tông tươi từ các trạm trộn, những trạm này họ có hệ thống lọc nước mặn”.

Ðể ứng phó hạn mặn đến năm 2025 trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng có kế hoạch gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị một số giải pháp, trong đó đáng chú ý là đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ngọt hóa sông Ba Lai; kết hợp các giải pháp cải tạo hệ thống thủy lợi, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các vùng, khu vực có điều kiện; tăng cường vận động trữ nước mưa, nước ngọt trong nhân dân.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích